Số lao động xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm: Nhiều người vẫn khốn khó

0:00 / 0:00
0:00
TP - So với cùng thời điểm năm 2020, lượng công nhân, người lao động tại TPHCM đến nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp có phần vắng vẻ. Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp tìm cách giữ chân lao động, còn công nhân biết tìm việc trong giai đoạn dịch bệnh sẽ khó khăn nên ít nhiều không “nhảy việc”…
Số lao động xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm: Nhiều người vẫn khốn khó ảnh 1

Người lao động làm hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp tại quận 6 TPHCM trưa ngày 1/3. Ảnh: U.P

Thưa vắng trong ngày đầu tuần

Sáng ngày 1/3, Trung tâm Dịch vụ việc làm ở TPHCM khá thưa vắng lao động đến làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, dù là ngày đầu tuần. Cầm sẵn tập hồ sơ, sổ bảo hiểm xã hội trên tay, anh Trần Văn Việt (ngụ ở quận Gò Vấp) cho biết, trước Tết, anh là một trong nhiều công nhân bị cho nghỉ việc, vì công ty không thể tiếp tục cầm cự, do không có đơn hàng, không tìm được đầu ra cho sản phẩm...

Theo anh Việt, anh đã làm việc tại công ty trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hơn 5 năm. Thời gian qua, do dịch COVID-19 nên công ty nơi anh làm việc kinh doanh không hiệu quả. Sau nhiều lần doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, anh cũng đành ngậm ngùi ra đi. “Nếu tôi ở lại thì lương cũng không đủ sống, do công ty không xuất nhập hàng được, vậy nên không có phần phụ cấp. Ngay cả khi công ty không cho nghỉ việc thì tôi cũng phải xin nghỉ, để đi tìm việc khác kiếm sống, nuôi gia đình”, anh Việt nói.

Trong khi đó, chị Phạm Thị Lệ (40 tuổi, ngụ quận Tân Bình) có thâm niên 13 năm làm kế toán cho một công ty thiết bị nhôm kính cũng đành chấp nhận ra đi do tình hình công ty ngày càng khó khăn. Theo chị Lệ, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến công ty rất nhiều, vì vậy chị chấp nhận nghỉ việc để tìm cơ hội mới, cũng để giảm gánh nặng cho công ty…

Tại Chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp quận 6 (thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm ở TPHCM) cũng khá thưa người đến nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Vừa mới gửi xe, chị Thi Ngoan (quê Long An) công nhân Công ty PouYuen (Q.Bình Tân) đã được phát hồ sơ để điền thông tin đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, chị được chỉ dẫn gửi hồ sơ theo đường bưu điện, khi nào hồ sơ được duyệt sẽ có nhân viên gọi điện thoại.

 “Chưa đầy mươi phút, tôi đã hoàn thành xong hồ sơ. Lúc đầu, tôi cứ tưởng đông lắm nhưng đến nơi mới thấy vắng”, chị Ngoan nói. Nữ công nhân này cho hay, chị đã làm việc ở PouYuen hơn 7 năm nhưng quyết định nghỉ việc trước Tết. Lý do chị muốn chuyển về quê xin việc gần nhà. “Lương công ty ở quê cũng xấp xỉ mức lương khi làm việc tại TPHCM, lại không tốn tiền thuê nhà trọ, chi phí sinh hoạt không đắt đỏ nên về quê lúc này là phương án tốt nhất”, chị Ngoan nói.

Chờ đợi để được tư vấn điền tờ khai xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, anh Sơn Điểu (33 tuổi, quê Sóc Trăng) kể, anh làm công nhân ở công ty TNHH SX&TM Lý Xuân Lan (H.Bình Chánh) được 5 năm, lương 230.000 đồng/ngày. Khi những đợt dịch COVID-19 bùng phát, công nhân được yêu cầu ở hẳn tại công ty để phòng dịch và làm việc. “Tôi muốn tìm việc mới nên đã xin nghỉ trước Tết. Dự định của tôi là quay lại lái xe, bởi đã có kinh nghiệm làm nghề này”, anh Điểu cho biết.

Giảm, nhưng vẫn trông chờ vào trợ cấp

Vừa điền những thông tin cần thiết vào tờ khai đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, Võ Việt Tú (30 tuổi, quê TPHCM) cho biết, anh có hơn 5 năm làm công nhân. Gần đây nhất, anh làm việc tại một công ty đặt tại Khu Công nghệ phần mềm Quang Trung (Q.12), chuyên gia công phần mềm cho các công ty nước ngoài.

Có bằng Cao đẳng chuyên ngành Tài chính ngân hàng nhưng anh Tú vẫn gặp nhiều khó khăn khi tìm việc ưng ý. Cuối cùng, Tú đành cất tấm bằng và xin đi làm công nhân với đồng lương trung bình 5-6 triệu đồng/tháng. Dự định của Tú là học thêm các khóa học liên quan cài đặt phần mềm và tìm cơ hội việc làm mới.

“Tôi mới ký hợp đồng được 1 năm. Trước Tết, hợp đồng hết hạn, công ty không tái ký tiếp, một phần do dịch bệnh, đơn hàng của các công ty nước ngoài rất ít; hơn nữa, công ty cũng muốn giảm biên chế. Vậy nên, tôi và nhiều đồng nghiệp khác có hợp đồng ngắn hạn đều bị sa thải. Để có tiền mưu sinh, trong thời gian nghỉ Tết, tôi nhận giao hàng thuê, giao thức ăn nhanh, chạy xe ôm công nghệ… đủ kiếm tiền lay lắt sống qua ngày”, anh Tú nói và cho biết thêm đang  trông chờ vào khoản trợ cấp thất nghiệp này để đắp đổi qua ngày.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Minh Phụng, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cũng tỏ ra bất ngờ bởi số hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh. “Tính đến ngày 28/2, Trung tâm tiếp nhận 13.400 hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu. Theo quy định, trong vòng 20 ngày kể từ lúc gửi, hồ sơ của lao động xin trợ cấp thất nghiệp  sẽ được xử lý và thông báo kết quả đến lao động. So với cùng kỳ năm trước, số hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp năm nay giảm, bằng 87% của 2 tháng cùng kỳ năm 2020”, ông Phụng thông tin.

Tuy nhiên, ông Phụng cũng cho rằng, việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp không nhất thiết phải nộp ở TPHCM mà người lao động có thể nộp ở tỉnh nơi mình sinh sống, nên sau đợt Tết Nguyên đán vừa qua, một số người có thể về quê và không trở lại thành phố nên họ nộp ở tỉnh. Bên cạnh đó, đầu năm, doanh nghiệp thường thiếu lao động. Nhiều doanh nghiệp đang khôi phục lại sản xuất nên tìm mọi cách giữ chân lao động như tăng lương, thu nhập, phúc lợi… Vì thế, lượng người nghỉ việc cũng ít hơn.

Theo Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Fami), năm 2021, thị trường lao động thành phố phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Fami cho biết, trước tình hình dịch bệnh COVID-19, dự kiến nhu cầu nhân lực tại TPHCM năm 2021 cần khoảng 270.000 - 300.000 chỗ làm việc, trong đó có 140.000 chỗ làm mới.

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, để phòng chống lây nhiễm dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM chỉ tiếp nhận hồ sơ trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện. Lao động khi đến liên hệ sẽ được nhân viên hướng dẫn và sau đó trở về nhà làm hồ sơ… 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.