Trong lễ hội cà phê lần thứ 8 năm 2023 mới đây, Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đồn điền CaDa (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) là điểm đến ưa thích của nhiều du khách. Chị Hoàng Thị Phương, du khách đến từ Đà Nẵng, tỏ ra bất ngờ khi di tích CaDa đã được số hóa. Chị chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR là có thể quan sát không gian di tích, xem hình ảnh về các hiện vật được trưng bày, các bài giới thiệu chi tiết.
Năm 2023, bốn địa chỉ đỏ được Tỉnh Đoàn Đắk Lắk triển khai số hóa, gồm: Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia CaDa; Di tích lịch sử quốc gia Khu căn cứ kháng chiến Đắk Lắk (1965-1975); Di tích lịch sử quốc gia Bia Nam tiến (do Đoàn Khối doanh nghiệp Trung ương phối hợp Tỉnh Đoàn Đắk Lắk thực hiện); Di tích lịch sử Tượng đài Mậu Thân 1968.
“Với chiếc điện thoại này, tôi nhanh chóng biết được, tháng 5/1945, tại Đồn điền CaDa đã xây dựng một chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên do đồng chí Phan Kiệm phụ trách, tập hợp các tầng lớp nhân dân đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Cũng từ nơi đây phong trào đấu tranh của công nhân được nhân rộng ra các đồn điền khác trong tỉnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước sau này”, chị Phương nói.
Hiện di tích lịch sử CaDa có tổng diện tích gần 44.000 m2, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Bạn Nguyễn Thị Hoài Thương, lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Krông Pắk), khi biết về di tích CaDa càng thêm tự hào về truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước. “Việc số hóa di tích giúp chúng em cũng như du khách dễ dàng tìm hiểu văn hóa, lịch sử truyền thống của vùng đất nơi đây. Qua đó, phát huy các giá trị văn hóa, góp phần giáo dục lịch sử truyền thống cho các thế hệ mai sau”, Thương nói.
Đoàn viên thanh niên tham quan tìm hiểu Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia CaDa qua quét mã QR. |
Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia CaDa được Tỉnh Đoàn Đắk Lắk gắn biển công trình số hóa vào tháng 1. Công trình được xây dựng dựa trên tích hợp hình ảnh, thông tin giới thiệu về di tích trong mã QR. Mọi người sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet đều có thể tìm hiểu về di tích. Đầu tháng 3, khu di tích này chính thức mở cửa hoạt động đón tiếp du khách vào tất cả các ngày trong tuần.
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn gắn biển công trình số hóa Di tích lịch sử quốc gia Khu căn cứ kháng chiến Đắk Lắk (1965-1975) và Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Y Ơn Niê. Anh Y Thăm Bya, Bí thư Đoàn xã Cư Pui (huyện Krông Bông), cho biết, Khu căn cứ kháng chiến Đắk Lắk là địa chỉ đỏ được nhiều bạn trẻ ưa thích. Nhiều hoạt động ý nghĩa thường được tổ chức ở đây nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho bạn trẻ.
“Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, khu di tích này là “đầu não” cách mạng của Đắk Lắk. Đây cũng là đầu mối của nhiều tuyến hành lang trọng yếu bảo đảm cho sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đối với chiến trường miền Nam trong thời kỳ kháng chiến. Nhờ số hóa nên những thông tin này dễ dàng chuyển tải tới bạn trẻ”, anh Y Thăm Bya nói.
Chị Phan Thị Trinh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk, cho biết, các nội dung sử dụng để giới thiệu về di tích được các cấp chính quyền thẩm định và được đơn vị phối hợp ứng dụng công nghệ chuẩn hóa nội dung số. Số hóa các địa chỉ đỏ được coi là bước đột phá của công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống.