Sáng 20/4, Sở GTVT đã tổ chức gặp gỡ báo chí thông tin về kết quả hoạt động quý 1/2021. Đến dự có Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông kiêm giám đốc Trung tâm báo chí TPHCM Từ Lương.
Trả lời Tiền Phong về dự án cầu Thủ Thiêm 2 ‘đắp chiếu’ gần 1 năm qua, ông Phan Công Bằng - Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết thành phố đang phối hợp với công ty Đại Quang Minh (nhà đầu tư) để tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến mặt bằng và pháp lý của dự án.
Ông Phan Công Bằng - Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM |
"Mục tiêu của thành phố là tiếp tục triển khai các hạng mục thi công còn lại và đưa công trình vào khai thác trong dịp 30/4/2022" ông Bằng cho hay.
Công trình tạm dừng thi công từ tháng 8/2020 sau khi đã hoàn thành 70% khối lượng do vướng công tác bồi thường giải tỏa và những vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và phụ lục hợp đồng.
Về pháp lý, đến thời điểm hiện tại, thời gian thực hiện dự án và thời gian thực hiện hợp đồng BT đã hết hạn do hợp đồng được ký kết vào năm 2015, dẫn đến việc không đảm bảo các điều kiện pháp lý để nhà đầu tư triển khai hoàn thành các hạng mục còn lại. Để dự án tiếp tục triển khai, thành phố phải ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.
Công trình cầu Thủ Thiêm 2 "đắp chiếu" từ tháng 9/2020 sau khi đã hoàn thành 70% khối lượng |
Ngoài ra, dự án cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến còn điều chỉnh thiết kế phương án lát đá lề bộ hành cầu dẫn, cầu chính, lớp mặt cầu nhằm đảm bảo tăng cường tuổi thọ khi khai thác mặt cầu.
Về công tác giải phóng mặt bằng, hiện nay, mặt bằng dự án phía quận 1 còn vướng đền bù giải tỏa hơn 11.000 m2 đất của Nhà máy Ba Son, 1.607m2 đất của Bộ Tư lệnh Hải quân và 158,7m2 đất Văn phòng Chính phủ đang quản lý.
Vừa qua, Sở GTVT đã đề nghị UBND quận 1, Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đảm bảo bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai thi công các hạng mục còn lại trong quý II/2021.
Tại buổi gặp gỡ báo chí, ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết Bộ Quốc Phòng và các đơn vị liên quan đã rất tích cực trong việc phối hợp với thành phố bàn giao đất.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM |
Tuy nhiên, theo ông Phúc, để sử dụng phần đất quốc phòng nói trên cho các công trình xây dựng hạ tầng giao thông thì cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch nên thời gian thực hiện thủ tục bị kéo dài.
Trước việc công trình bị dừng quá lâu, mới đây, nhà đầu tư đã có văn bản gửi UBND TPHCM bày tỏ sự lo ngại dự án “đắp chiếu” quá lâu sẽ dẫn đến nguy cơ công trình bị xuống cấp.
Ngoài ra, Liên danh nhà thầu còn có “tối hậu thư” nếu đến ngày 15/4 không có mặt bằng để thi công trở lại thì sẽ giải thể công trường. Trước động thái này, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ban ngành chức năng phối hợp với chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn vướng mắc để công trình sớm thi công trở lại.
Cầu Thủ Thiêm 2 dài hơn 1,4 km, quy mô 6 làn xe với tổng mức đầu tư 3.082 tỉ đồng. Phần cầu chính dài 885 m được thiết kế cầu dây văng với trụ tháp chính có hình dáng kiến trúc cầu rồng cao 113 m nghiêng về phía Thủ Thiêm.
Phía bờ quận 1, cầu chạy thẳng theo hướng tuyến đường Tôn Đức Thắng để đi ra đường Đinh Tiên Hoàng. Nhánh N1 hướng từ công trường Mê Linh chạy sát sông Sài Gòn lên cầu Thủ Thiêm 2 để qua quận 2 cũ. Nhánh N2 từ cầu Thủ Thiêm 2 theo hướng bên phải chạy xuống đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Cùng với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật, cầu Thủ Thiêm 2 là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn.
Công trình được khởi công từ năm 2015 và theo kế hoạch ban đầu sẽ thông xe vào dịp 30/4/2020 nhằm kết nối giao thông giữa khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) với khu trung tâm thành phố hiện hữu để giảm áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm và đường hầm sông Sài Gòn nối quận 1 và TP Thủ Đức qua sông Sài Gòn.