Sở GD&ĐT Hà Nội ký kết thỏa thuận hợp tác giáo dục di sản cho học sinh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiều 2/11, Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và các đơn vị tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác việc triển khai chương trình giáo dục di sản, tham quan học tập ngoại khóa cho học sinh tại các di tích lịch sử trên địa bàn TP.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, TP Hà Nội có số lượng di tích lớn nhất cả nước với 5.922 di tích danh thắng (trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới là Hoàng thành Thăng Long, 20 di tích quốc gia đặc biệt); 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 1.206 lễ hội truyền thống.

Hà Nội cũng là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2.874 trường mầm non, phổ thông với gần 2,3 triệu học sinh. Chính vì vậy, nhiệm vụ giáo dục di sản cho học sinh tại các cơ sở giáo dục luôn được Hà Nội coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Sở GD&ĐT Hà Nội ký kết thỏa thuận hợp tác giáo dục di sản cho học sinh ảnh 1

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng: giáo dục di sản giúp trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về những giá trị văn hóa, lịch sử cũng như truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

“Đưa học sinh đi tham quan, tìm hiểu về các di sản, tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế cũng góp phần quan trọng trong việc đổi mới hình thức tổ chức dạy học. Giáo dục di sản giúp trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về những giá trị văn hóa, lịch sử cũng như truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy truyền thống yêu nước, nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, đạo đức trong sáng”, ông Trần Thế Cương nhấn mạnh.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường học xây dựng kế hoạch giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục di sản văn hoá địa phương gắn với thực tiễn địa phương và phù hợp với xu thế giáo dục tiên tiến trên thế giới, bảo đảm tốt nhất lợi ích của người học.

Nội dung giáo dục theo hướng thiết thực, phù hợp với lứa tuổi và trình độ nhận thức của học sinh; tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Nội dung giáo dục được lựa chọn là những tri thức cơ bản, đảm bảo vừa phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông vừa gắn với thực tiễn địa phương trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đề cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Sở GD&ĐT Hà Nội ký kết thỏa thuận hợp tác giáo dục di sản cho học sinh ảnh 2

Mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, 100% các trường trên địa bàn Thành phố tổ chức cho học sinh tham quan di tích lịch sử, di sản văn hóa địa phương ít nhất 1 lần/năm học.

Theo kế hoạch, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao và Ban quản lý di tích các địa phương đảm bảo nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức đảm bảo tính khoa học, tính chính xác và phù hợp với các nội dung được truyền tải đến với học sinh các trường.

Khuyến khích các hoạt động trải nghiệm thực tế để học sinh được tiếp cận trực tiếp với di sản văn hoá, làng nghề truyền thống địa phương, được trực tiếp tham gia vào các hoạt động lễ hội hoặc một số công đoạn sản xuất sản phẩm truyền thống nhằm giúp học sinh hiểu rõ và trân trọng truyền thống lịch sử, những giá trị văn hoá của địa phương.

MỚI - NÓNG