Sổ đỏ để trong ngân hàng... vẫn mất

Bà Nguyễn Thị Huệ (ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã mất sổ đỏ thế chấp tại ngân hàng. Ảnh: T.Tân(Tuổi Trẻ)
Bà Nguyễn Thị Huệ (ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã mất sổ đỏ thế chấp tại ngân hàng. Ảnh: T.Tân(Tuổi Trẻ)
12 khách hàng không thể nhận lại sổ đỏ thế chấp ở ngân hàng. Lý do: một cán bộ ngân hàng đã mang sổ đỏ đi vay nợ.

Sổ đỏ để trong ngân hàng... vẫn mất

12 khách hàng không thể nhận lại sổ đỏ thế chấp ở ngân hàng. Lý do: một cán bộ ngân hàng đã mang sổ đỏ đi vay nợ.

Bà Nguyễn Thị Huệ (ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã mất sổ đỏ thế chấp tại ngân hàng. Ảnh: T.Tân(Tuổi Trẻ)
Bà Nguyễn Thị Huệ (ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã mất sổ đỏ thế chấp tại ngân hàng. Ảnh: T.Tân (Tuổi Trẻ).

Thanh toán xong nợ cho ngân hàng (NH) nhưng không nhận lại được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tài sản thế chấp) và còn bị “hứa hẹn” lôi vào vòng tố tụng một cách vô lối là tình cảnh của nhiều khách hàng của NH Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Tân Lập (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Bà Nguyễn Thị Huệ (thường trú P.Tân An, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết: “Tháng 12-2009, tôi mang sổ đỏ đến NH Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Tân Lập để vay 800 triệu đồng về kinh doanh, thời hạn 12 tháng. Thế nhưng khi tôi mang tiền đến chi nhánh NH này trả vào ngày 15-12-2010 để lấy sổ đỏ về thì từ nhân viên cho đến giám đốc chi nhánh khất lần không giao cho tôi”.

Đó là vì sổ đỏ của bà Huệ cùng sổ đỏ của 11 khách hàng khác đã bị Võ Thị Hồng Điệp - nguyên cán bộ tín dụng của chi nhánh - chiếm đoạt, mang đi thế chấp cho người khác để lấy tiền tiêu xài cá nhân.

Ngày 12-11-2010, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ vụ án sang Viện KSND tỉnh Đắk Lắk đề nghị truy tố Võ Thị Hồng Điệp về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, truy tố Lương Ngọc Hoàng - nguyên trưởng phòng tín dụng - về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đồng thời đề nghị xử lý hành chính đối với ông Hoàng Văn Nguyên - phó giám đốc phụ trách và một số cá nhân liên quan.

Rắc rối từ NH rơi xuống!

Theo kết luận điều tra nói trên, từ cuối năm 2009 đến đầu năm 2010, Điệp lấy lý do kiểm tra để đề nghị Lương Ngọc Hoàng và phó giám đốc Hoàng Văn Nguyên ký duyệt cho mượn tài sản thế chấp của khách hàng, hoặc không nộp lưu tài sản thế chấp theo quy định để lấy sổ đỏ của khách hàng đem cầm cố. Ngoài ra, Điệp còn vay của nhiều người khác số tiền 22,4 tỉ đồng. Tổng cộng Võ Thị Hồng Điệp đã vay, chiếm đoạt tới 28,7 tỉ đồng.

Riêng sổ đỏ của bà Nguyễn Thị Huệ thì Điệp khai đã thế chấp cho bà N.T.Đ.N. để vay 600 triệu đồng. Bà N. không thừa nhận việc thế chấp, vay mượn này nên hiện thời vẫn chưa biết cuốn sổ đỏ đang ở nơi đâu.

Bà Huệ cho biết: “Tôi không hề hay biết tài sản thế chấp của mình đã bị đưa ra ngoài. Đến kỳ đóng tiền lãi chúng tôi vẫn mang tiền đến đóng tại NH nên đinh ninh tài sản thế chấp của mình vẫn lưu tại kho. Cơ quan công an cũng không triệu tập chúng tôi để hỏi về việc sổ đỏ của chúng tôi bị đem đi thế chấp vay tiền bên ngoài nên chúng tôi không hay biết gì”.

Bà Huệ gặp phải một rắc rối lớn là ngày 5-12-2010, gia đình bà đã làm hợp đồng bán nhà với giá 12 tỉ đồng và nhận tiền cọc 2 tỉ đồng. Theo giao kết hợp đồng, nếu bên bán không giao sổ đỏ đúng ngày 20-12-2010 sẽ bị phạt 200% số tiền đặt cọc, ngược lại bên mua không giao tiền đúng ngày sẽ mất tiền cọc. Mới đây, người mua nhà của gia đình bà Huệ dọa sẽ kiện ra tòa vì bà vi phạm hợp đồng!

“Do làm ăn thua lỗ, sợ tiền vay NH không trả được nên chúng tôi đã rao bán nhà lâu nay. Khi được giá, chúng tôi rất yên tâm bán nhà và hợp đồng như trên, lấy tiền cọc trả nợ NH để rút sổ đỏ về giao cho người ta, ai ngờ gặp hoàn cảnh éo le như vậy. Bây giờ ngoài việc có thể bị kiện ra tòa, chúng tôi còn mang tiếng lừa đảo. Số tiền 2 tỉ đã dùng trả nợ hết nên không còn khả năng trả lại cọc, nói gì đến việc trả tiền phạt cho người ta” - ông Nguyễn Châu Thành, chồng bà Huệ, nói.

Bà Nguyễn Thị Huệ bị mất sổ đỏ oan uổng do sự tắc trách của ngân hàng. Ảnh: T.Tân (Tuổi Trẻ)
Bà Nguyễn Thị Huệ bị mất sổ đỏ oan uổng do sự tắc trách của ngân hàng. Ảnh: T.Tân (Tuổi Trẻ).

NH thiếu trách nhiệm

Vợ chồng bà Huệ cho biết: “Đầu tháng 12-2010, chúng tôi đem tiền lãi đến nộp, cán bộ NH vẫn nhận tiền và không hề thông báo cho chúng tôi về việc mất sổ đỏ. Đến khi chúng tôi xin mượn sổ đỏ để photo làm thủ tục bán nhà thì NH vẫn thu của chúng tôi 50.000 đồng lệ phí nên chúng tôi không nghi ngờ gì. Nhưng lần lữa mãi NH vẫn không đưa bản sao sổ đỏ. Lo lắng, chúng tôi tìm gặp giám đốc chi nhánh để hỏi cho rõ vẫn không được trả lời rõ ràng. Nếu có trách nhiệm, NH phải thông báo với chúng tôi sự cố nêu trên để chúng tôi không làm hợp đồng bán nhà, đằng này NH lại làm như vậy thì bây giờ chúng tôi biết gỡ như thế nào!”.

Vậy những thiệt hại của khách hàng như tiền chịu phạt hợp đồng, bán nhà không được giá... thì NH sẽ giải quyết như thế nào? Ông Nguyễn Văn Vinh, trưởng ban kiểm soát NH Nông nghiệp và phát triển nông thôn thị xã Buôn Hồ, nói: “Cái này phải đợi các cơ quan pháp luật giải quyết xong chúng tôi mới có những việc làm tiếp theo. Hơn nữa đây là những tai nạn nghề nghiệp mà NH cũng không muốn”.

Theo ông Vinh, NH sẽ “nhờ cơ quan pháp luật thu hồi sớm sổ đỏ của khách hàng để trả lại cho họ. Nếu không thu hồi sớm được sẽ chờ bản án của tòa án đối với vụ án của đối tượng Điệp để kiến nghị Sở Tài nguyên - môi trường hủy những sổ đỏ kia để cấp mới cho khách hàng...”.

Ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường

Khi thế chấp căn nhà cho NH để đảm bảo nợ, khách hàng phải giao bản chính giấy tờ nhà cho NH giữ. Trong suốt thời hạn nhận thế chấp, NH có trách nhiệm bảo quản an toàn bản chính giấy tờ này để sau này trả lại cho khách hàng. Nếu NH sơ hở để nhân viên của mình lấy cắp là NH đã có lỗi, đã vi phạm hợp đồng thế chấp ký với khách hàng và không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật (khoản 1 điều 350 Bộ luật dân sự, nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006).

Nhân viên NH làm sai thì NH phải chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng. Đó là trách nhiệm của pháp nhân đối với thiệt hại do người của mình gây ra (điều 618 Bộ luật dân sự), vì thế NH không thể trì hoãn đợi đến khi tòa án xét xử xong vụ án mới “kiến nghị Sở Tài nguyên - môi trường hủy những sổ đỏ kia để cấp mới cho khách hàng...”.

Khách hàng không có lỗi mà lại bị NH lôi kéo vào một vụ án hình sự có khi kéo dài cả năm. Trong thời gian này khách hàng muốn bán nhà để trang trải nợ nần hay đầu tư kinh doanh cũng không được, lãi vẫn phải trả, thiệt hại rất lớn ai chịu? Khi khách hàng chậm trả lãi thì NH phạt lãi chậm trả đến 150% lãi suất vay, khi khách hàng vì bất kỳ lý do nào không trả được nợ thì NH lập tức phát mãi, đấu giá bán tài sản thế chấp để thu nợ. Vậy khi NH có lỗi thì phải bồi thường cho khách hàng, đó cũng là lẽ công bằng mà thôi.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, khách hàng có quyền khởi kiện NH ra tòa để đòi bồi thường toàn bộ các tổn thất, thiệt hại xảy ra. Nhưng để có thể thắng vụ kiện, khách hàng phải cung cấp cho tòa án đầy đủ chứng cứ, giấy tờ hợp lệ để chứng minh các thiệt hại này là thực tế, đã xảy ra và có liên quan trực tiếp với vi phạm của NH. Đừng đòi bồi thường các thiệt hại chưa xảy ra, chưa có chứng cứ hoặc không liên quan trực tiếp vì tòa án sẽ không chấp nhận mà khách hàng còn mất thêm tiền đóng án phí.

Luật sư Đặng Ngọc Châu

Theo Trung Tân
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.