Sinh viên sáng chế ứng dụng lấy mẫu xét nghiệm, khám bệnh tại nhà

TPO - Được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, tìm hiểu về các triệu chứng bệnh, đặt trước lịch khám với bác sĩ, tìm mua thuốc từ những cơ sở uy tín, hết nỗi ám ảnh “rồng rắn” chờ đợi để khám bệnh... là ưu điểm của những đồ án tốt nghiệp của sinh viên.

Dịch bệnh COVID-19 bùng nổ, các quy định giãn cách xã hội để tránh virus lây nhiễm tràn lan đã khiến nhu cầu khám chữa bệnh tại nhà của người dân tăng cao. Tuy nhiên, dịch vụ này ở các bệnh viện tư nhân thường khá đắt đỏ nên không phải ai cũng có thể sử dụng.

 Xuất phát từ thực tế đó, các sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm của ĐH FPT đã đưa ra rất nhiều giải pháp hữu ích cho vấn đề này trong đợt bảo vệ đồ án tốt nghiệp kỳ mùa xuân 2020. Với chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng, người bệnh hoàn toàn có thể được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, mua thuốc, đặt lịch khám với bác sĩ.

Sinh viên sáng chế ứng dụng lấy mẫu xét nghiệm, khám bệnh tại nhà ảnh 1 Nhóm sinh viên Phạm Lê Quỳnh Lam thuyết trình về ứng dụng Medtest

Có thể kể đến Medtest - ứng dụng do nhóm bốn thành viên của Phạm Lê Quỳnh Lam phát triển. Ứng dụng cung cấp dịch vụ hỗ trợ đặt lịch khám với bác sĩ và lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Bệnh nhân sau khi tải và đăng nhập vào ứng dụng có thể đăng ký thời gian, địa điểm để các y tá tại phòng khám đến nhà lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả sau đó sẽ được trả về ngay trên ứng dụng.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể chủ động đặt lịch khám với bác sĩ thông qua ứng dụng này. Nếu lịch khám có thay đổi hoặc không trùng khớp với lịch của bác sĩ, phòng khám sẽ lập tức liên hệ lại với bệnh nhân để tư vấn đặt lịch phù hợp. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng có chức năng liên hệ trực tiếp với phòng khám thông qua số điện thoại hotline nếu bệnh nhân cần được tư vấn hoặc phải hồi về dịch vụ.

Sinh viên sáng chế ứng dụng lấy mẫu xét nghiệm, khám bệnh tại nhà ảnh 2 Giao diện Medtest sau khi người dùng đặt lịch hẹn với bác sĩ (bên trái) và đặt lịch xét nghiệm tại nhà (bên phải)

Có giao diện thân thiện với người dùng, dễ sử dụng, Medtest được hội đồng phản biện tốt nghiệp đánh giá cao và hứa hẹn sẽ là sản phẩm hữu ích để kết nối các phòng khám với người bệnh khi hoành hành.

Phạm Lê Quỳnh Lam chia sẻ: “Hiện tại nhóm mới chỉ liên kết với 1 phòng khám đầu tiên nhưng trong thời gian sắp tới nhóm sẽ liên kết với nhiều phòng khám hơn cũng như tiếp tục phát triển ứng dụng để sát với những nhu cầu thực tế của người dùng, nhất là trong mùa Covid này để sớm đưa ứng dụng vào trong thực tiễn”. 

Nhóm sinh viên 5 thành viên của Dương Văn Hải lại lựa chọn Y học cổ truyền để tiếp cận với khách hàng. Nhóm đã liên kết với các bác sĩ là những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Y học cổ truyền cũng như nhà thuốc có uy tín để xây dựng một website tư vấn miễn phí về Đông y.

Với website này, người dùng có thể tìm hiểu thông tin về các loại thuốc Đông y, mua thuốc, tìm hiểu các mẹo chữa bệnh đơn giản hoặc thông tin về các bệnh lý thường gặp. Ngoài ra, website còn có box chat để người dùng có thể được tư vấn trực tuyến miễn phí 24/24. Đặc biệt, khi đăng ký tài khoản trên website, người dùng còn có thể đặt lịch với bác sĩ để được tư vấn trực tiếp.

Sinh viên sáng chế ứng dụng lấy mẫu xét nghiệm, khám bệnh tại nhà ảnh 3 Nhóm 5 sinh viên thuyết trình về sản phẩm trước hội đồng phản biện tốt nghiệp

Sản phẩm của nhóm đã được hội đồng phản biện đánh giá rất cao về cả kỹ thuật và tính thực tiễn. Chia sẻ về sản phẩm, trưởng nhóm Dương Văn Hải cho biết: "Suốt 4 tháng qua, nhóm đã nỗ lực rất nhiều để liên hệ với các bác sỹ, nhà thuốc có uy tín, giúp người bệnh dễ dàng được tư vấn, khám chữa bệnh bởi các chuyên gia trong ngành.  

Sau những ý kiến của thầy cô, nhóm sẽ thêm một số tính năng có thể phát triển. Ví dụ như quá trình mua hàng, giao dịch sẽ được đẩy trực tiếp lên website thay vì chỉ lưu trữ thông tin rồi đợi đội ngũ bên ngoài mới liên lạc với khách hàng.”

Hiện tại website này đã đi vào hoạt động và nhận được những phản hồi tích cực từ người dùng.

Trung tuần tháng 5, gần 200 sinh viên Trường ĐH FPT Hà Nội bước vào tuần lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp học kỳ Spring 2020. Những đồ án thuộc nhiều đề tài như giáo dục, y tế, công nghệ, môi trường… Sinh viên tham gia kỳ Bảo vệ đồ án lần này thuộc ngành Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, và các ngành Ngôn ngữ.

MỚI - NÓNG