Chủ nhân gậy SOS được trợ giúp
Võ Thanh Bảo được tuyển thẳng vào trường ĐH Bách khoa TPHCM nhờ đoạt giải ba cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học cấp toàn quốc năm 2014. Hiện, Bảo theo học Khoa Cơ khí, chuyên ngành mà chàng sinh viên sinh năm 1996 đam mê theo đuổi.
Võ Thanh Bảo và chiếc gậy SOS
Bảo sinh ra và lớn lên ở TP Phan Rang (Ninh Thuận) trong gia đình có 2 anh em, Bảo là út. Gia đình Bảo nhiều năm thuộc diện nghèo vì bố bị tàn tật, mất sức lao động nhiều năm nay, thu nhập chính cả gia đình trông vào đồng lương hộ lý của mẹ Bảo.
Để bớt gánh nặng cho mẹ, nhà có bãi đất trống gần một trường THPT ở Phan Rang, Bảo cùng bố nhận trông xe đạp. Ngoài giờ học trên lớp, những lúc trông xe là thời gian Bảo làm thêm các bài tập ngoài chương trình học và nghiên cứu, sáng tạo.
“Nhà nghèo nên mình càng phải cố gắng học giỏi để bố mẹ vui và tạo cho mình cơ hội có nghề nghiệp, theo đuổi đam mê sáng tạo”, chàng trai trẻ tâm sự.
“Tình thương của thầy cô, sự hỗ trợ của Hội Sinh viên và nhà hảo tâm không chỉ tiếp sức về mặt tinh thần mà còn hỗ trợ thiết thực giúp mình tiếp tục giấc mơ nơi giảng đường”.
Võ Thanh Bảo
Ngoài thành tích 12 năm học sinh giỏi, Bảo đoạt huy chương Bạc môn Sinh học kỳ thi Olympic truyền thống lần thứ 18 tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; giải ba cấp tỉnh và giải nhì cấp quốc gia môn Sinh học trong kỳ thi chọn học sinh giỏi giải toán trên máy tính cầm tay; giải nhì cấp tỉnh Cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học với chiếc gậy SOS.
Nói về sáng tạo chiếc gậy SOS đoạt giải ba cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học cấp toàn quốc năm 2014, Bảo cho biết: “Năm học lớp 12 ở trường THPT Nguyễn Trãi, có lần nhìn thấy cụ già chống gậy đi trên vỉa hè bị ngã mà không có ai kịp giúp đỡ. Từ đó mình có ý tưởng làm ra chiếc gậy SOS để giúp đỡ, hỗ trợ người già giảm bớt khó khăn trong đi lại”.
Gậy SOS được định vị qua sóng điện thoại di động, khi cần báo tin, gậy phát tín hiệu chuông và nhấp nháy đèn led bảy màu. Gậy được làm từ ống nhựa, vật dụng thô sơ, dễ làm, giá thành 60.000- 150.000 đồng, giúp người già khi sử dụng có thể liên lạc với người thân qua định vị khi gặp sự cố. Khi bị ngã hoặc cần báo động, còi và đèn phát tín hiệu cho người xung quanh và ở xa biết đến để hỗ trợ, giúp đỡ.
“Với cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng trong quá trình học tập, mình nhận thấy mình thật sự may mắn vì luôn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ tận tình từ gia đình, nhà trường, thầy cô và cộng đồng. Tình thương của thầy cô, sự hỗ trợ của Hội Sinh viên và nhà hảo tâm không chỉ tiếp sức về mặt tinh thần mà còn hỗ trợ thiết thực trong cuộc sống giúp mình tiếp tục giấc mơ nơi giảng đường”, Bảo tâm sự.
Niềm vui của những tân sinh viên nghèo
Cô gái Võ Thị Quỳnh Trang (sinh năm 1995) ở xã Nghĩa Ninh, Đồng Hới (Quảng Bình) từng gây bất ngờ tại trường THPT Đồng Hới khi là học sinh chuyên khối A nhưng lại giành giải cấp tỉnh môn Lịch sử.
Thời điểm Trang học lớp 11, thầy giáo dạy Sử phát hiện cô học trò nghèo rất giỏi môn học này và đề xuất cho Trang “vượt rào” thi học sinh giỏi cùng học sinh khối 12.
Chỉ vài tháng ôn luyện, Trang vượt qua các anh chị và đoạt giải nhì môn Lịch sử cấp tỉnh. Năm lớp 12, Trang tiếp tục đoạt giải nhì cấp tỉnh môn Sử. Cả 2 năm học lớp 11 và 12, Trang đều được gọi vào đội tuyển của quốc gia môn Lịch sử nhưng cũng vì nhà nghèo, đi lại khó khăn mà em phải gác giấc mơ ở đội tuyển quốc gia.
Võ Thị Quỳnh Trang
Trang là con út trong gia đình có 2 chị em. Bố Trang là công nhân nhưng bị tai biến đã hơn 10 năm nên không có khả năng lao động. Gánh nặng cơm áo cả gia đình dồn lên vai mẹ khi chị gái đi lấy chồng xa. Mẹ Trang làm công nhân cạo nhựa thông nhưng năm 2013, sau cơn bão số 10 cả rừng thông bị phá hủy, mẹ cô thất nghiệp, cả nhà sống dựa vào lương hưu.
Ngoài giờ trên lớp, hễ có ai thuê làm gì, Trang cùng mẹ đi làm kiếm thêm tiền trang trải việc học của cô. Tốt nghiệp phổ thông, Trang chọn thi và học khoa Sư phạm tiểu học mầm non của trường ĐH Quảng Bình gần nhà để giảm chi phí và giúp đỡ bố mẹ.
Chiều 13/10, chúng tôi liên lạc với Trang đúng lúc cô trên đường ra Hà Nội nhận học bổng. “Học bổng giúp tôi tiếp tục cơ hội được đi học và bớt gánh nặng cho gia đình”, Trang vui mừng chia sẻ.
Nguyễn Trọng Tín (sinh năm 1996) ở Quảng Nam là sinh viên duy nhất trong 10 nhân vật nhận học bổng lần này được kết nạp Đảng khi là học sinh THPT nhờ những thành tích đặc biệt. Tín hiện là sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh.
Sinh ra trong gia đình nghèo, bố là thợ mộc, mẹ thất nghiệp, gia đình nợ nần, Tín thường làm thêm cùng bố nhưng cậu đã lập kỳ tích: Năm lớp 10 đạt HCV Olympic môn Hóa, lớp 11 giành HCB Olympic, nhì tỉnh môn Hóa, lớp 12 giải nhì tỉnh môn Hóa, giải ba quốc gia môn Hóa. Tín cho biết sẽ nỗ lực giữ vững thành tích học tập để tiếp tục nhận học bổng “Chắp cánh nhân tài” trong suốt thời gian học đại học.
Chị Đào Thị Thu Huyền, Chánh văn phòng cấp cao Cty TNHH Canon VN cho biết, tổng giá trị chương trình học bổng “Canon - Chắp cánh nhân tài 2014” là 402 triệu đồng, trao cho 10 sinh viên (24 triệu đồng/suất) và 10 học sinh THPT (16,2 triệu đồng/suất).
Những học sinh, sinh viên nhận học bổng năm nay sẽ tiếp tục nhận được học bổng những năm học tiếp theo cho đến khi tốt nghiệp nếu giữ vững thành tích học tập, rèn luyện tốt.
Trong giai đoạn 2014 - 2020, T.Ư Hội SVVN và Công ty TNHH Canon VN sẽ trao 240 học bổng trị giá gần 5 tỷ đồng, trong đó gồm 90 suất học bổng dành cho học sinh THPT và 150 suất học bổng dành cho sinh viên đại học trên cả nước nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt nhưng gia cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho những tài năng trẻ đạt được ước mơ và nguyện vọng học tập.