Với tấm bằng cử nhân của Trường ĐH Ngoại thương năm 2011, anh Vũ Đức Hải tự tin vào làm việc ở một ngân hàng lớn ở Hà Nội ngay sau khi tốt nghiệp.
Hải nói: Năm 2011 trở về trước, sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH chính quy, có thêm một số kỹ năng mềm tốt, có thể xin được việc ngay; năm 2012 tình hình đã khác xa…
Sau khi có việc làm, anh Vũ Đức Hải tạm nghỉ việc một thời gian ngắn và đến nay, việc xin làm trở lại một số ngân hàng là điều xa vời. Hải đã chuyển sang làm kinh tế riêng cho bản thân.
Anh nói: Trong thời buổi kinh doanh khó khăn như hiện nay, khi các ngân hàng giải thể, tách nhập, dù có xin được việc, tôi vẫn duy trì việc kinh doanh của mình để phân tán bớt rủi ro.
Không chỉ các sinh viên tốt nghiệp ĐH trong nước như Hải gặp khó khăn mà sinh viên ngành tài chính ngân hàng, tự bỏ tiền du học ở nước ngoài cũng rơi vào tình cảnh khó xin việc làm.
Phạm Tiến Dũng, Thạc sĩ tài chính tín dụng, tốt nghiệp tại Anh, đã từng học tại Học viện Ngân hàng và tự túc du học tại Anh.
Sau 3 năm du học, trở về nước, Dũng xin vào Ngân hàng Công thương VN nhưng không còn chỗ. Cầm nắm hồ sơ rải khắp các ngân hàng trong địa bàn Hà Nội và sau hơn nửa năm anh thạc sĩ may mắn được nhận vào làm tại Ngân hàng Hàng hải.
Cắt nghĩa cho khó khăn về việc làm, Tiến Dũng nói: Công việc không nhiều và các ngân hàng, các doanh nghiệp tuyển không nhiều nhưng sinh viên tốt nghiệp ngành này cả trong lẫn ngoài nước ngày càng đông.
“Ngân hàng chạy theo chỉ tiêu huy động vốn, huy động, cho vay không thẩm định rõ ràng. Thiếu kiến thức về luật và áp đặt chỉ tiêu huy động vốn cho nhân viên… dẫn tới việc chịu “quả báo” như hôm nay”. Hồng Hân, sinh viên năm 3, Khoa Thị trường Chứng khoán Trường ĐH Ngân hàng TPHCM nói vậy khi được hỏi về tình trạng khó khăn của ngân hàng hiện nay.
Theo Hứa Vũ Long, sinh viên năm thứ 3, Khoa Tài chính Ngân hàng, ĐH Ngân hàng TPHCM, việc nhân viên ngân hàng bị sa thải nhiều, là do nhân viên kém kinh nghiệm và dựa dẫm vào mối quan hệ.
Thừa do trường không chuyên cũng đào tạo
Thạc sĩ ngành kinh tế và máy tính của trường ĐH Ithaca (Mỹ), anh Tiến Anh, đang công tác tại Bảo hiểm nhân thọ Fubon nói: Trong khi nhiều người không tìm được việc làm vẫn có những người có việc làm ở ngân hàng hoặc doanh nghiệp với mức lương đến 40 triệu đồng/tháng.
Đó là những người làm việc 12 tiếng/ngày và làm việc 7 ngày/tuần. Anh Tiến Anh bật mí: một số bạn bè của anh, học kinh tế hoặc ngân hàng tài chính ra, chưa xin được việc đã chuyển sang kinh doanh tiền tệ hoặc môi giới chứng khoán.
Ông Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng (HVNH) cho biết, hằng năm, HVNH tuyển khoảng 2.300 sinh viên với 5 ngành nhưng riêng ngành tài chính ngân hàng chiếm 1.200 đến 1.400 chỉ tiêu, ngành ngân hàng chiếm 700-800 chỉ tiêu.
Do đầu tư mới, sản phẩm mới đòi hỏi tự động hóa làm cho đội ngũ cán bộ cũ không theo kịp khiến lực lượng ngân hàng thiếu hụt; lực lượng trẻ ra có thể bù đắp vào chỗ đó.
Ông Hưng nói: Vừa qua, do tính toán không chuẩn, các trường không chuyên về tài chính ngân hàng đào tạo ồ ạt các ngành ăn khách này mặc dù không phải là trường có kinh nghiệm, có đội ngũ giảng dạy, có bề dày đào tạo chuyên ngành mà chỉ là đào tạo cho có ngành hot.
Điều này dẫn đến việc trường kỹ thuật, trường đa ngành cũng đào tạo… tài chính ngân hàng!
Tất nhiên, vì thế, khi thị trường tuyển dụng giảm, sinh viên sẽ khó xin việc làm. Thực tế cho thấy, sinh viên của một số trường chuyên ngành như Học viện Tài chính; Học viện Ngân hàng, ĐH Kinh tế Quốc dân dễ kiếm việc làm hơn.