Sinh viên mê sáo trúc

Thổi sáo và giao lưu kết bạn. Ảnh: D.N
Thổi sáo và giao lưu kết bạn. Ảnh: D.N
TP - Sinh viên thường tìm đến đài phun nước trong khuôn viên ĐH Quốc gia Hà Nội và vườn hoa Nguyễn Trãi (Hà Đông)... để lắng nghe tiếng sáo đầy cung bậc, của bạn trẻ trong CLB sáo trúc sinh viên Hà Nội.

> Hiphop phố huyện

Nhiều bạn trẻ học thổi sáo. Ảnh: D.N
Nhiều bạn trẻ học thổi sáo. Ảnh: D.N.
 

Vào diễn đàn Damsan.net, tieusao.com... có thể giao lưu với bạn trẻ đam mê những loại hình nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, đàn bầu và sáo trúc. Hiện diễn đàn trên là nơi quy tụ của những CLB, nhóm chơi sáo trúc ở Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh… với số lượng lên đến hàng ngàn người.

Sau giờ học tập, làm việc căng thẳng, những người chơi sáo thường tập trung ở nơi có khuôn viên rộng, tĩnh lặng trong thành phố để thổi sáo, giao lưu làm quen.

Trên các diễn đàn, bạn trẻ cho biết học thổi sáo cũng khó như nhiều nhạc cụ khác và bị cho là đơn điệu nên trước đây lớp trẻ ít tìm đến. Tuy nhiên, khi có người tình nguyện hướng dẫn, có hội nhóm để sinh hoạt, bạn trẻ đăng ký theo học rất đông.

Thổi sáo và giao lưu kết bạn. Ảnh: D.N
Thổi sáo và giao lưu kết bạn. Ảnh: D.N.
 

Theo Lâm Văn Nha, sinh viên ĐH Lao động - Xã hội, học sáo đòi hỏi phải từ tốn, kiên trì, không được nóng vội, hấp tấp. Thổi sáo phải tập thường xuyên, nếu nghỉ một thời gian, ngón tay sẽ cứng, lưỡi dính, hơi yếu và quên rất nhiều. “Muốn học sáo phải có niềm đam mê thực sự nhưng để thổi đúng, thổi thành bài hay không phải ai cũng làm được”, Văn Nha nói.

“Ngoài thoả mãn đam mê, bọn mình còn mong muốn góp sức đưa nhạc cụ dân tộc đến với đông đảo bạn trẻ. Thời gian tới, CLB sẽ đến trung tâm trẻ em mồ côi, tàn tật để dạy sáo, giúp các em nhỏ thêm tự tin, hòa nhập cộng đồng”, Đỗ Mạnh Hải, một trong hai người sáng lập và tình nguyện dạy cho các thành viên trong CLB sáo trúc sinh viên Hà Nội, cho hay.

 

Không chỉ nam giới, những buổi sinh hoạt CLB sáo trúc SV Hà Nội còn có sự góp mặt của nhiều bạn nữ. Trần Thị Sao Yến, sinh viên HV Báo chí tuyên truyền, chia sẻ: “Một lần tình cờ đi qua ĐH Quốc gia, nghe tiếng sáo da diết của ai đó nên nán lại nghe rồi mê chơi sáo lúc nào không hay”.

Một chiếc sáo nứa, trúc thường có giá từ 25-30 nghìn đồng; với loại chuẩn, có đo âm, giá cũng chỉ 150-200 nghìn đồng nên phù hợp với túi tiền của giới trẻ. Các thành viên CLB cho biết với người bắt đầu chơi, sáo 6 lỗ là ưu tiên số một, nhưng những tay chơi lâu năm lại chuộng sáo 10 và 16 lỗ vì sáo càng nhiều lỗ âm thanh càng hay dù khó chơi hơn.

Hiện số thành viên Damsan.net Hà Nội đã lên đến hàng trăm người, đa phần là sinh viên. Cứ hai tháng một lần, CLB sáo trúc sinh viên Hà Nội lại tổ chức một buổi sinh hoạt định kỳ tại vườn hoa Nguyễn Trãi để từng thành viên có cơ hội thể hiện mình sau thời gian tập luyện. Ai biết nhiều chỉ dạy cho những người biết ít, ai biết ít chỉ cho những người chưa biết, phong trào chơi sáo, tiêu ngày càng lan rộng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG