Mới đây, nhà chức trách Singapore đã ban hành văn bản hướng dẫn các chủ tòa nhà và bộ phận quản lý cơ sở hạ tầng chung cư về việc tăng cường hệ thống thông gió và cải thiện chất lượng không khí trong không gian để hạn chế sự lây lan của dịch COVID -19.
Các biện pháp đưa ra bao gồm việc giữ cho cửa sổ và cửa ra vào ở những nơi không có điều hòa luôn mở và lắp đặt hệ thống quạt gió hướng ra bên ngoài để tăng cường trao đổi không khí. Đối với các cơ sở có điều hòa không khí, các nhà chức trách khuyến cáo rằng chủ tòa nhà phải đảm bảo rằng hệ thống thông gió của tòa nhà đang hoạt động tốt và thiết lập lại để có thể trao đổi tối đa lượng không khí ngoài trời. Không khí nên được lọc sạch ít nhất một lần một ngày và việc này phải thực hiện thường xuyên hơn ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.
Hệ thống thông gió thường thấy trong các tòa nhà chung cư và cao tầng. |
Nói về văn bản hướng dẫn ở trên, Giáo sư Dale Fisher, chuyên gia tư vấn cấp cao tại bộ phận bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, Chủ tịch Ủy ban Phòng chống và Kiểm soát nhiễm trùng Quốc gia cho biết, một số bệnh lây truyền có thể được ngăn chặn bằng hệ thống thông gió và khi có chất lượng không khí tốt. “Hãy tưởng tượng nếu có một số lượng hạt mang mầm bệnh nhất định trong một không gian nhỏ nhưng có hệ thống thông gió tốt, cửa mở và quạt thổi sẽ làm loãng chúng ra thay vì tập trung ở một khu vực… Khi đó, nguy cơ bệnh lây nhiễm sang người sẽ giảm đi nhiều”, ông nói.
Tương tự, Giáo sư Teo Yik Ying, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore cũng đồng ý rằng việc cải thiện lưu thông luồng không khí trong các tòa nhà, đặc biệt là những tòa nhà đang có hệ thống thông gió kém, có thể “chắc chắn” làm giảm nguy cơ lây truyền dịch COVID -19 qua đường không khí.
“Trong môi trường kín dựa vào thông gió cơ học, nếu có những bộ phận của vùng kín lưu thông không khí kém có thể làm tăng nguy cơ lây truyền dịch COVID -19 trong không khí”, giáo sư Teo Yik Ying nhấn mạnh kèm lưu ý rằng “Việc có hệ thống thông gió tốt thậm chí có thể giúp giảm ‘phần nào’ nguy cơ lây truyền dịch bệnh qua đường giọt bắn bằng cách làm khô chúng”.
Khu tòa nhà cao tầng tại Raffles Place (Singapore) |
Còn Giáo sư Paul Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Nhiễm trùng Châu Á Thái Bình Dương cho rằng việc cải thiện chất lượng không khí chỉ là một trong những giải pháp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Bởi “Hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy việc lây truyền qua đường không khí là con đường lây truyền dịch bệnh chính…Nhưng có lẽ, nếu các cá nhân sống trong môi trường không khí trong lành, họ sẽ ít bị ho hoặc hắt hơi hơn và do đó ít có khả năng lây lan vi-rút sang những người xung quanh hơn”, ông bày tỏ. Đồng thời Giáo sư Paul Tambyah lấy ví dụ rằng tại Bệnh viện Tan Tock Seng, các khoa đã được lắp đặt bộ lọc không khí và quạt hút để tăng cường thông gió và luồng không khí, sau khi dịch COVID-19 bùng phát.
Bên cạnh vấn đề chung của các tòa nhà chung cư, Giáo sư Teo Yik Ying cho biết hiện tại sự lây lan trong các hộ gia đình chủ yếu là do tiếp xúc, qua đường giọt bắn và lây qua các bề mặt. “Thực sự rất khó để ngăn chặn sự lây truyền dịch bệnh với những người sống trong cùng một hộ gia đình, và đây là lý do tại sao trên toàn thế giới, chúng tôi đã coi việc lây truyền trong hộ gia đình là một trong những phương thức lây truyền chính…Đó cũng là lý do tại sao rất khó để phá bỏ các chuỗi lây truyền bệnh trong các khu ký túc xá công nhân nhập cư”.
Cuối cùng, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore khẳng định: “Để hạn chế sự lây lan của dịch COVID -19 không thể chỉ dựa vào chất lượng không khí tốt. Biện pháp chính là ở nhà và không đi ra ngoài trừ khi bạn thực sự phải làm vậy”. Đồng thời Giáo sư Teo Yik Ying cho biết các biện pháp quan trọng khác như đeo khẩu trang, không ho và hắt hơi vào người khác cũng như ở nơi công cộng, vệ sinh tay nghiêm ngặt và hạn chế tụ tập xã hội cũng có thể giúp giảm đáng kể sự lây truyền dịch COVID -19.