Sin Suối Hồ - bản hoa lan của người Mông

Mô hình home stay đón khách du lịch.
Mô hình home stay đón khách du lịch.
TP - Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, Phong Thổ - Lai Châu) là bản của 103 hộ người Mông nằm trên đỉnh núi ở độ cao 1.400 m, quanh năm mát mẻ, thường được bao phủ bởi dải mây trắng như chiếc khăn bông, xen những ánh nắng tinh khiết của vùng cao Tây Bắc.

Trưởng bản làm du lịch bằng facebook

Chúng tôi vượt khoảng 30 cây số từ thành phố Lai Châu theo đường  4D, men những cung đường uốn lượn, chênh vênh trên các triển đồi, vách núi để vào bản. Con đường đã trải nhựa khá tốt, như một dải lụa mềm mại, đánh bật cảm giác ban đầu về sự khó khăn, vất vả của những dốc núi, cua tay áo. Cổng vào bản khá ấn tượng với hai cây tự nhiên kết lại thành vòm đón khách. Dân bản chỉ việc treo lên đây tấm biển từ làm bằng gỗ và với dòng chữ đơn giản: “Bản du lịch cộng đồng - Sin Suối Hồ”.

Nhưng ấn tượng hơn là suốt dọc chặng đường vào bản, những vạt cúc quỳ vàng ruộm, vàng đến nhức mắt. Cúc quỳ nở đầy các lối đi, trên những vạt rừng xanh thẫm, lẫn với màu trời xanh vời vợi. Và kia, những ngôi nhà của đồng bào Mông hiện ra thật gần gũi, kia là lớp mẫu giáo của các em bi bô tiếng trẻ con học hát, kia là nơi chúng chơi đùa dưới một gốc cây cổ thụ. Kiểu nhà đất, kiến trúc bằng gỗ của người Mông đơn giản hơn nhà của người Kinh. Những chú gà chạy lăng xăng ngoài vườn. Những chậu hoa địa lan, những giò phong lan treo trước nhà đẹp mắt và nhà nào cũng trồng thật nhiều hoa lan như thế. Thấy khách đến, nhiều người dân vẫy chào, bắt tay chúng tôi như gặp người thân. Tất cả gợi lên một bức tranh bản làng no ấm, hạnh phúc.

“Bản Sin Suối Hồ chính là một rừng hoa địa lan, bởi nhà nào cũng trồng nhiều lan” - chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, cán bộ Trung tâm xúc tiến Du lịch tỉnh Lai Châu giới thiệu với chúng tôi.

Thì ra mấy năm nay, bản Mông nơi đây đã bảo nhau trồng thật nhiều hoa địa lan, phong lan để vừa làm du lịch vừa phát triển kinh tế gia đình. Chị Huyền cho biết, thời điểm này, với giá bán 190.000 đồng/ bông, mỗi chậu địa lan ở đây có giá vài triệu đến cả chục triệu đồng, đâu phải rẻ. Chẳng thế mà nhà nhà đều trồng lan, nhà ít vài chục chậu, nhà nhiều vài trăm chậu. Hoa lan làm ra thu nhập mà như một thứ chơi độc đáo ở bản vùng cao lại thu hút, hấp dẫn lữ khách, mỗi khi bất ngờ lạc đến nơi đây.

Sin Suối Hồ - bản hoa lan của người Mông ảnh 1

Trưởng bản Vàng A Chỉnh

Thấy khách đến, Trưởng bản Vàng A Chỉnh vui hẳn lên. Pha trà thảo quả mời khách hương tỏa ra ngào ngạt, anh cho biết, năm nay 40 tuổi, các con đã lớn, con đầu đã lấy vợ rồi. Anh trồng lan khắp nơi có thể, lan chạy dài từ con ngõ vào đến tận khoảnh sân và bốn chung quanh nhà. Đâu đâu cũng thấy lan. Lan lẫn trong vạt rừng trước nhà anh có cối gạo nước và dòng suối chảy qua rất nên thơ. Hiệu quả kinh tế từ lan rất khá, mỗi năm gia đình bán được cả trăm triệu đồng từ thứ hoa cảnh này.

Đến Sin Suối Hồ, các gia đình sẽ đón bạn nồng nhiệt, mời bạn đến ở trong những home stay của Vàng A Chỉnh, Hảng A Sà, Vàng A Dế… Dân bản sẽ mời bạn món ăn đặc sản chế biến từ gà Mông đen, lợn thả đồi, thưởng thức rượu táo mèo đượm nồng nổi tiếng, uống vào mãi không say.

Anh cho hay, chính khí hậu khá mát mẻ, chất đất tốt rất thuận lợi cho địa lan phát triển. Cũng như các hộ dân, ngoài lan nhà anh còn trồng thảo quả, táo mèo. Thu nhập từ những nguồn này khá ổn định. Các hộ dân ở đây tuy vẫn còn khó khăn nhưng thu nhập đã được cải thiện nhiều. Hơn một năm nay, bản được công nhận là bản du lịch cộng đồng của tỉnh, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến ngày một đông hơn.

Cả bản cùng chung ý nguyện làm du lịch cộng đồng, đến nay đã có 5 hộ dân tổ chức được mô hình home stay với cơ sở vật chất đảm bảo cho những đoàn khách hàng chục người, có đủ phòng nghỉ, khu vực vệ sinh và các dịch vụ đi kèm theo tiêu chuẩn. “Mỗi khách ở lại, mình chỉ thu 80.000 đồng/ đêm thôi”, anh Chỉnh cho hay. Cộng các nguồn thu khác, mỗi năm gia đình anh có thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Đây cũng là con số mơ ước ở vùng cao Tây Bắc này.

Anh Chỉnh cho biết thêm, từ khi Sin Suối Hồ đã có điện, nhà sinh hoạt cộng đồng ngay đầu bản luôn sáng đèn, thu hút trai gái đến sinh hoạt đông vui. “Nhà mình còn có wifi, mình tự đầu tư lắp chỉ mất hơn 1 triệu đồng thôi. Mình cũng sử dụng được máy tính, có tiếp thị sản phẩm trên mạng, hoa lan và du lịch thông qua facebook của con trai mình”, anh Chỉnh vui vẻ khoe.

Sin Suối Hồ - bản hoa lan của người Mông ảnh 2 Em gái bản Mông Sin Suối Hồ. Ảnh: Nguyễn Tuấn.

Điểm đến của lữ khách

Đường đến bản Sin Suối Hồ khá thơ mộng, dễ hút hồn lữ khách. Bạn sẽ vượt qua những cung đường mềm mại, uốn quanh dòng suối, những thửa ruộng bậc thang với thiên nhiên trong lành. Có thể đến Sin Suối Hồ theo đường từ Sapa vượt đèo Ô Quy Hồ sang Lai Châu hoặc đi qua Sảng Ma Sáo thuộc huyện Bát Xát của Lào Cai hay ngược từ Điện Biên lên.

Dịp cuối thu, Sin Suối Hồ đặc quánh hương thơm ngào ngạt của thảo quả. Hương thảo quả theo gió lan khắp bản Mông, dục lòng du khách ở lại đây để mà thưởng thức, mà chiêm ngưỡng bản Mông đang từng ngày đổi mới. Sin Suối Hồ còn quyến rũ bởi phiên chợ vùng cao ngay giữa bản. Đất làm chợ là do trưởng bản Vàng A Chỉnh hiến tặng. Các phiên chợ, người dân mang đến những sản vật của mình, từ gà đen, nấm mèo và tất nhiên có cả thảo quả, táo mèo và hoa địa lan cùng những món đồ thổ cẩm của người Mông. Bạn sẽ bắt gặp những cô gái Mông hiền lành, e ấp với váy áo hoa văn sặc sỡ, những tiếng kèn lá, đàn môi dìu dặt lẫn trong tiếng suối xa vọng về.

Sin Suối Hồ - bản hoa lan của người Mông ảnh 3 Hoa lan ở bản Sin Suối Hồ.

“Mùa xuân này đến bản, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hàng trăm sắc hoa lan đua nở. Lan nở khắp đường vào bản, bên những hàng rào đá thẫm rêu xanh, dọc hai bên lối đi và dưới những gốc cây cổ thụ trong những vạt rừng xanh mát” - Chị Huyền cho biết.

Đến Sin Suối Hồ dịp này, các gia đình sẽ đón bạn nồng nhiệt, mời bạn đến ở trong những home stay của Vàng A Chỉnh, Hảng A Sà, Vàng A Dế… Dân bản sẽ mời bạn món ăn đặc sản chế biến từ gà Mông đen, lợn thả đồi, thưởng thức rượu táo mèo đượm nồng nổi tiếng, uống vào mãi không say.

Ai đó nói Sin Suối Hồ theo tiếng địa phương là “Suối có Vàng”, thì chính tiềm năng du lịch nơi đây là vàng ròng, giúp bà con vươn lên làm giàu.  

Nguồn thu từ hoa lan

Trưởng bản Vàng A Chỉnh kể: Năm 2011, anh chính thức nối nghiệp bố làm trưởng bản. Trong những lần lên rừng trồng thảo quả, thấy hoa địa lan ở trên rừng, anh mang về trồng làm cảnh thôi. 

Năm 2013, nó có hoa, có khách đến chơi, hỏi mua, được giá thế là anh trồng rồi bảo bà con cùng làm. Bây giờ 103 hộ trong bản đều trồng địa lan. Nhà trồng ít nhất cũng mươi chậu, nhiều nhất 300-500 chậu. Nhà mình trồng 300 chậu thôi, chậu nào có hoa mình bán, thường 3 đến 4 triệu đồng/chậu. Khách ở Sa Pa đến tận nhà mua. Hàng năm từ tháng 7 đến tháng giêng nhiều xe ô tô đến mua cả trăm chậu chở về Sa Pa, Lào Cai và Hà Nội. Để thêm thu nhập, các gia đình còn nuôi dê, trâu, trồng lúa, trồng ngô. 

Đến nay, riêng đàn dê anh Chỉnh nhân được hơn 30 con. Vừa qua anh đã bán hơn 20 con. Nguồn này đem lại thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.