Sau khi nhận thông tin phản ánh của một số hộ dân ở thôn Tân Lập, xã Bồ Lý (huyện Tam Đảo), Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo Chủ tịch tỉnh này, yêu cầu chuyển đơn, giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Tam Đảo và các đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét giải quyết và trả lời công dân theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả về tỉnh này.
Trao đổi Tiền Phong về vấn đề trên, ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Kiểm lâm Vĩnh Phúc cho biết: “Qua kiểm tra, làm việc với chính quyền địa phương, chưa xác nhận thấy có hợp đồng nào mua bán, chuyển nhượng đất rừng phòng hộ nào cả ở xã Bồ Lý. Đó chỉ là hợp đồng ủy quyền bảo vệ rừng thôi, chứ không mua bán gì cả”.
Ông Hùng cho rằng, việc mua bán, chuyển nhượng đất rừng phòng hộ phải đáp ứng các điều kiện theo quy định và tùy từng trường hợp cụ thể, đối tượng là ai...Tuy nhiên, việc chuyển nhượng phải là người dân địa phương.
Một lãnh đạo Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) cho biết: “Việc Nhà nước giao rừng phòng hộ cho người dân sở tại là để trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và được nhà nước chi trả kinh phí. Nếu mua bán, chuyển nhượng cũng phải là người dân sở tại, chứ không được mua bán, chuyển nhượng cho người vùng khác”.
Tuy nhiên, theo thông tin phóng viên nắm được, có một số “hợp đồng ủy quyền” lâu năm cho người ngoài địa phương, khiến không ít ý kiến nghi ngờ về việc “lách luật” mua bán, chuyển nhượng đất rừng phòng hộ.
Đơn cử, hợp đồng “ủy quyền” ký ngày 28/11/2016 của ông Nguyễn Văn Lý (thôn Tân Lập, xã Bồ Lý) cho và Vũ Thụy Vân (trú tại H10, ngõ 132, phố Trung Kính, Phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) hơn 20 ha ở sườn núi Ngang (xã Bồ Lý) với mục đích kinh doanh lâm nghiệp, thời hạn tới 50 năm…
Điều khá bất ngờ là địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú của bà Vân cũng trùng với địa chỉ đăng ký của Công ty CP Đầu tư Bình Minh Xanh - doanh nghiệp đề xuất thực hiện xây dựng “siêu” nghĩa trang với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng.
Liên quan đến khu vực rừng phòng hộ dự kiến xây dựng “siêu” nghĩa trang nói trên, hồi đầu tháng 6/2017 đã xảy ra vụ cháy rừng làm thiệt hại hơn 30 ha, trong đó có cả rừng phòng hộ. Tuy nhiên, đến nay, theo lãnh đạo Chi cục trưởng Kiểm lâm Vĩnh Phúc, việc điều tra nguyên nhân, thủ phạm gây cháy, tỉnh đã giao cho công an. “Tuy nhiên, đến nay, tôi vẫn chưa có thông tin, báo cáo về vụ việc nói trên”-ông Hùng nói.
Cũng về vụ việc trên, hồi tháng 2/2017, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra, làm rõ thông tin trong báo chí phản ánh, việc “Vĩnh Phúc: Chặt rừng phòng hộ làm nghĩa trang hay đào khoáng sản”?.Trước sức nóng của dư luận, cũng thời điểm trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy cho dừng chủ trương nghiên cứu triển khai lập quy hoạch dự án.