Chúng tôi di chuyển bằng đường bộ từ TP.HCM đến biên giới Campuchia, địa phận H.Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, theo tuyến QL14. Đi hết quãng đường gập ghềnh mịt mù bụi và những ổ gà, ổ voi, rẽ vào một con đường rải sỏi chạy hun hút trong khu rừng cao su bạt ngàn để đến trang trại Lộc Phát.
Vào trại phải 3 lần “tắm”
Tất cả những người trong đoàn đều phải xuống xe, đi bộ qua cánh cổng riêng để phun thuốc sát trùng. Vào bên trong, không khí mát mẻ lập tức ùa đến với hàng cây xanh chạy dài ven lối đi trải bê tông sạch sẽ, bao quanh là hồ nước.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Lộc Phát, cho biết chỉ riêng chi phí để mua cây xanh tạo cảnh quan cho trang trại đã ngốn hết gần 4 tỉ đồng. “Ở đây các thiết bị đều được lập trình sẵn, khách vào phải vệ sinh, tắm đủ thời gian quy định thì cánh cửa tiếp theo mới mở ra. Qua 2 lần cửa thì đến phòng thay đồ. Đây là quy trình bắt buộc để đảm bảo trang trại hoàn toàn vô trùng và sạch bệnh”, ông Hiếu hướng dẫn.
Làm xong hết các thủ tục “tiệt trùng” mất hết gần 30 phút, chúng tôi mới bắt đầu chuyến tham quan trang trại bằng chiếc xe chạy điện. Ông Hiếu cho biết quy mô trại chăn nuôi lên đến 54 ha, với 2.400 heo nái, 10.000 heo hậu bị. Toàn bộ trại heo giống được vận hành tự động và khép kín. “Khi thời tiết nóng, bên trong trại tự động điều chỉnh nhiệt độ. Hệ thống cung cấp thức ăn cho heo, vệ sinh chuồng trại đều tự động. Liều lượng chất dinh dưỡng trong thức ăn cũng được máy móc trộn sẵn, định kỳ cung cấp cho đàn heo”, ông Hiếu thuyết minh và thông tin thêm: Ở đây, mọi thứ đều được vận hành tuần hoàn, không có khái niệm bỏ đi. Chất thải của heo được đưa vào hệ thống biogas để tạo gas cung cấp cho máy phát điện phục vụ lại cho trại (đáp ứng 30% nguồn điện của trại). Nước thải được đưa vào hệ thống tưới cho hàng chục ngàn ha cao su trong vùng để tạo nguồn thu và tăng năng suất cho vườn cao su hơn 30%. Nhau thai từ heo được làm thức ăn cho 3.600 con cá sấu nuôi tại trại. Tại đây còn có nhiều ao nuôi cá với sản lượng lớn.
Hướng đến hiện đại nhất thế giới
Ông Hiếu kể, ông đã qua Thái Lan để tìm hiểu mô hình trại của người Thái và nhận ra “trình độ của họ hơn mình, nhưng người Việt chưa làm chứ không phải là không làm được”. Với suy nghĩ đó, toàn bộ vốn liếng tích cóp được, thêm vốn vay từ ngân hàng, ông quyết tâm xây cho được mô hình trang trại này để chứng minh người Việt không hề thua kém. Tổng số vốn ông Hiếu đầu tư vào trại chăn nuôi này đã xấp xỉ 6 triệu USD.
Từ ngày hoàn thiện xong trại heo, ông Hiếu ở luôn trên trại, đến cuối tuần mới về thành phố. Hiện trại heo giống Lộc Phát là mô hình hiện đại, nhiều đoàn nông dân trong nước đã đến tham quan học tập. Thậm chí đoàn doanh nghiệp, nông dân Thái Lan cũng đã lặn lội sang tận đây để mục sở thị trại heo hiện đại này.
“Mô hình trại heo giống này chỉ sau 4 năm rưỡi - 5 năm là thu hồi được vốn đầu tư (hiện đã hoạt động 4 năm)”, ông Hiếu tự tin và cho biết doanh nghiệp của ông hiện đóng thuế đứng thứ hai ở H.Lộc Ninh, đồng thời hé lộ “sẽ còn tiếp tục đầu tư để hoàn thiện trại heo này tốt hơn, hiện đại nhất không chỉ trong khu vực mà trên cả thế giới”.