Tường thuật: Hải Phòng, Thái Bình mất điện, 1 giờ sáng bão sẽ đổ bộ
Diễn biến khó lường
Trao đổi với báo chí về tình hình cơn bão số 14, trận bão mạnh nhất thế giới năm 2013, ông Bùi Minh Tăng cho hay, ngày 9/11 chúng tôi nghĩ bão sẽ vào các tỉnh bắc Trung Bộ và nam đồng bằng Bắc Bộ. Đến trưa 10/11, NCHMF lại nhận định bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Từ Thanh Hóa trở vào phía Nam cơ bản an toàn.
Nói về sự chuyển hướng đột ngột của cơn bão, ông Tăng cho biết, ngay các trung tâm dự báo quốc tế cũng chưa thống nhất trong việc dự báo cơn bão này. Nhật Bản cho rằng bão sẽ cập bờ vào đêm, rạng sáng nay (11/11), nơi đổ bộ là Thái Bình. Sau đó bão tiếp tục đi sâu vào đất liền và tan ở Bắc Kạn - Tuyên Quang.
Các trung tâm của Bắc Kinh, Mỹ, Hồng Kông dự báo, bão sẽ vào giữa Hải Phòng, Quảng Ninh sau đó sang biên giới Trung Quốc, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới ở Trung Quốc. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn của Việt Nam thì cho rằng bão sẽ đổ bộ vào Hải Phòng, đi qua TP Hải Phòng vào ngã ba các tỉnh Bắc Giang - Hải Phòng – Quảng Ninh rồi đổi hướng lên phía Bắc, đi qua Quảng Ninh và sang bên kia biên giới.
Chính sự thay đổi đường đi liên tục của bão nên theo ông Tăng, kịch bản mưa ở Hà Nội và khu vực phía Bắc có thay đổi so với nhận định ban đầu. Lượng mưa giảm đi và nguy cơ ngập úng diện rộng khó xảy ra ở Hà Nội.
Cụ thể theo các kịch bản trước, khi bão đi vào miền Trung (trung Trung bộ, bắc Trung bộ), sau đó suy yếu ở vùng Thượng Lào rồi lệch lên phía Bắc thì mưa ở Hà Nội và các tỉnh trung du rất lớn, có thể tới vài trăm mm. Tuy nhiên với diễn biến mới nhất của cơn bão thì mưa ở Hà Nội chỉ khoảng 100 mm.
Theo ông Tăng nếu lượng mưa đó trải đều trong 12 tiếng thì khó gây ngập úng diện rộng. Trong trường hợp cường độ mưa tập trung trong một vài tiếng thì có nguy cơ ngập úng cục bộ.
Đề phòng lũ quét
Mặc dù lượng mưa giảm đáng kể so với dự báo ban đầu nhưng theo ông Bùi Minh Tăng, các khu vực trung du, miền núi phải đề phòng lũ quét, sạt lở đất.
Từ chiều và đêm qua ở miền Bắc, trừ các tỉnh phía Tây như Điện Biên, Lai Châu có thể không mưa hoặc có mưa không đáng kể, còn lại đều có mưa. Trong đó vùng đồng bằng ven biển, vùng Đông Bắc, một phần của vùng trung du, miền núi phía Bắc có mưa lớn, có thể lên đến 200 - 300mm, có nơi lên hơn 300mm.
Với tình hình mưa như vậy, lũ trên các sông lớn ở miền Bắc không có tác động đáng kể, trừ một số sông ở khu vực Đông Bắc. Tuy nhiên ở vùng núi, trung du, với lượng mưa cục bộ có thể lên 50 - 70mm, thậm chí 100mm hoặc trên 100mm thì phải đề phòng tình trạng lũ quét, sạt lở đất.
Trưa chiều nay mưa lớn chỉ có ở biển và vùng Đông Bắc. Những nơi khác của Bắc Bộ nếu còn thì lượng mưa không đều và không còn trên diện rộng.
Hoãn họp, lo chống bão
Trước diễn biến của của cơn bão số 14, ngày 10/11 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì cuộc họp khẩn nhằm đánh giá công tác chuẩn bị và bàn các biện pháp triển khai phòng chống, đối phó với cơn bão.
Ngay trong buổi chiều, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão thành phố đã phân công thành viên tham gia các đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống ứng phó với cơn bão số 14 trên các lĩnh vực.
Nhằm ứng phó với bão số 14, chiều qua Phòng CSGT (PC67), CATP Hà Nội đã có phương án đảm bảo giao thông khi mưa ngập xảy ra. Tại các điểm, nút giao thông ngập sâu: Các đơn vị bố trí xe tải hoặc xe cẩu thường trực để cẩu, kéo ôtô bị sự cố chết máy ra khỏi nơi ngập úng, không để ùn tắc, tai nạn giao thông xảy ra. Đặt các biển báo thông báo phía trước có điểm ngập sâu; cảnh báo cho các phương tiện không lưu thông vào khu vực.