> Vụ nổ 10 người chết: Nỗi đau tột cùng
> Người gây ra vụ nổ kinh hoàng từng là tài xế
Ngày 25-2, PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trần Văn Vệ (ảnh nhỏ), Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý Hành chính về Trật tự Xã hội Bộ Công an xung quanh vụ việc trên, cũng như những ý kiến cho rằng cần xem xét và siết chặt việc sử dụng vật liệu nổ để tạo cảnh khói lửa trong phim ảnh.
Thiếu tướng có đánh giá gì về vụ nổ xảy ra hôm 24-2 tại TPHCM?
Thiếu tướng Trần Văn Vệ: Đây là sự việc đáng tiếc, không mong muốn xảy ra; thông qua báo Tiền Phong, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân trong vụ nổ.
Hiện trường được tháo dỡ để tìm kiếm nạn nhân. |
Điều 10, Pháp lệnh quản lý vũ khí, vật liệu nổ quy định: Vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ; phải có kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được thiết kế, xây dựng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn về phòng chống cháy nổ và bảo đảm môi trường theo quy định; có nội quy, phương án bảo vệ, phương án phòng, chống cháy nổ, phương tiện bảo đảm an toàn được cơ quan chức năng phê duyệt…
Song nạn nhân không tuân thủ, cất giữ vật liệu nổ trong nhà (khi đào bới, tìm kiếm tại hiện trường, lực lượng chức năng còn phát hiện, thu giữ 4 thùng chứa đầu đạn và thuốc nổ - PV) và sự việc đáng tiếc đã xảy ra.
Có thể nói lỗi đầu thuộc về cá nhân nạn nhân, nhưng cũng có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương không, thưa ông?
Khi sự việc xảy ra, xem xét trách nhiệm toàn diện thì đúng là chính quyền khó tránh trách nhiệm thiếu kiểm tra, nắm địa bàn, vận động, yêu cầu chủ nhà di dời vật liệu nổ, hoặc có phương án bảo quản an toàn, đúng quy định.
Các Cty hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh có nằm trong danh sách xem xét, cấp phép sử dụng vũ khí, vật liệu nổ không và cơ quan nào có chức năng cấp phép?
Việc cấp phép quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trong điện ảnh là lĩnh vực mang tính đặc thù, cần “soi” các văn bản quy định khác. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Công an ban hành các quy định hướng cụ thể việc trang bị, quản lý, sử dụng các loại vũ khí trong huấn luyện, thi đấu thể thao; vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ làm đạo cụ hoặc để trưng bày, triển lãm trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật…
Nội dung này được quy định tại Điều 29, Nghị định 25/2012/NĐ - CP của Chính phủ “quy định chi tiết thi hành 1 số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”; nhưng có lẽ Pháp lệnh và Nghị định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ cũng mới nên họ (Bộ VHTT-DL - PV) chưa kịp hoàn thiện.
Sau khi vụ nổ xảy ra, đạo diễn Lê Hoàng cho rằng, cần xem xét lại vấn đề công nghệ sử dụng khói lửa trong nền điện ảnh Việt Nam, Thiếu tướng suy nghĩ gì về đề nghị này?
Tôi cũng được biết, hiện nay trên thế giới, những nhà làm phim chủ yếu áp dụng kỹ xảo điện ảnh để tạo cảnh khói lửa để đảm bảo an toàn thay vì dùng chất nổ thật. Tới đây cũng phải xem xét, siết lại điều kiện quản lý, sử dụng vật liệu nổ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Cảm ơn Thiếu tướng!