> Hiệp hội Sữa Việt Nam phản ứng về quảng cáo sữa sạch
> Hỏa mù quảng cáo thực phẩm sạch
Bộ Y tế cũng quy định rõ, trong nội dung quảng cáo, cấm dùng câu, chữ, hình ảnh, âm thanh gây nên các ấn tượng kiểu sau đây cho công chúng: “Sản phẩm này là tốt nhất, tuyệt đối an toàn; so sánh thực phẩm của mình tốt hơn thực phẩm của tổ chức, cá nhân khác”.
Ngoài ra, việc sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, cán bộ y tế, thư cám ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm, cũng là hành vi bị nghiêm cấm.
Trong thực tế, những vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chúng ta có thể gặp hằng ngày. Trên một số tờ báo, có thể dễ dàng đọc được không ít những bài viết của các bác sĩ, dược sĩ, bài trả lời phỏng vấn mà nội dung chính là quảng cáo khéo cho một loại thực phẩm nào đó. Các nội dung quảng cáo dưới dạng thư cảm ơn của bệnh nhân thì nhiều vô kể, với những lời lẽ có cánh về một loại thực phẩm chức năng, thuốc nào đó.
Các hãng sữa ngoại nhập cũng thi nhau giới thiệu về công dụng quá mức của sản phẩm như: “giúp bé có một trí não phát triển toàn diện”, “trí thông minh vượt trội”, “hệ miễn dịch hoàn hảo”… Gần đây nhất, một hãng sữa còn khẳng định sản phẩm của mình là “tinh túy thiên nhiên được giữ vẹn nguyên trong sữa tươi sạch”, khiến người tiêu dùng không biết đâu là “sữa sạch”, đâu là “sữa bẩn”.
Hiệp hội Sữa Việt Nam đã hai lần có công văn phản ứng về nội dung quảng cáo này nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Trả lời PV Tiền Phong bằng văn bản, Phó Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết, ngoài Pháp lệnh Quảng cáo và Nghị định hướng dẫn thực hiện, chúng ta còn có nghị định thông tư về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ”, “Hướng dẫn về hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế”.
Trong các văn bản này đã quy định rõ, nội dung quảng cáo phải được gửi đến cơ quan y tế để thẩm định nội dung. Cơ quan phát hành quảng cáo và đơn vị có sản phẩm quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã có giấy tiếp nhận quảng cáo của cơ quan y tế và phải quảng cáo đúng nội dung đã thẩm định.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp, đơn vị phát hành quảng cáo (báo, đài, nhà in, nhà xuất bản…) chưa thực hiện tốt quy định này. Cụ thể là quảng cáo khi chưa có sự thẩm định nội dung của cơ quan y tế.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ông Phong cho biết, chủ yếu do chưa có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị phát hành quảng cáo với cơ quan quản lý. Dẫn đến các vi phạm như quảng cáo không đúng nội dung đã được cơ quan y tế thẩm định.
Theo dự thảo thông tư mới, đơn vị cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.