Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), hiện các quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản, xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá, đã được nêu rất rõ trong thông tư 23/2018 của Bộ NN&PTNT.
Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho biết, trước đây, công tác đăng kiểm tàu cá giao cho cơ quan quản lý nhà nước làm dịch vụ công, nhưng theo Luật Thủy sản 2017, nhiệm vụ này sẽ được xã hội hóa.
Theo đó, các cơ sở đăng kiểm nào đủ điều kiện theo quy định (cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực…) sẽ được thực hiện dịch vụ đăng kiểm tàu cá. Nếu trước đây, tàu cá tỉnh nào thì đăng kiểm ở Chi cục khai thác thủy sản ở tỉnh đó, thì này chủ tàu có quyền lựa chọn bất kỳ cơ sở đăng kiểm tàu cá đủ điều kiện, tức là tàu của Kiên Giang có thể đăng kiểm ở Quảng Ninh.
Ông Trung cho biết, cả nước hiện 29 cơ sở đăng kiểm (gồm 28 cơ sở của các địa phương ven biển, và 1 Trung tâm đăng kiểm tàu cá của Tổng cục Thủy sản). Các kiểm viên là các công chức, viên chức, số lượng bị bó buộc biên chế.
Tuy nhiên, theo quy định mới, ai đủ điều kiện có thể đi học và trở thành đăng kiểm viên khi đạt yêu cầu, hoạt động tại các cơ sở đăng kiểm. Như vậy, chúng ta sẽ tập hợp được những nhân lực có kinh nghiệm, trước đây không có biên chế.
Khoảng 60.000 tàu cá phải đăng kiểm
Ông Trung cho biết, theo Luật Thủy sản, Nghị định 26, tàu cá có chiều dài 12 mét trở lên phải đăng kiểm, đủ an toàn mới được hoạt động; tàu cá dưới 12 mét không phải đăng kiểm, nhưng phải trang bị an toàn. Hiện tàu cá dài 12 mét trở lên có khoảng 60.000 tàu.
Thông thường, thời hạn đăng kiểm tàu cá là 12 tháng/lần. Tuy nhiên, tùy mức độ an toàn của từng tàu, đăng kiểm viên chỉ cấp chứng nhận đăng kiểm thời gian 3 tháng hoặc 6 tháng để khắc phục, sửa chữa.
Cũng theo ông Trung, tới đây, các cơ sở đăng kiểm và các đăng kiểm viên đều được xếp loại 1, 2,3.
Với cơ sở và đăng kiểm viên loại 1 sẽ đăng kiểm được các loại tàu cá, loại 2 có thể đăng kiểm các loại tàu cá 24 mét trở xuống và loại 3 có thể đăng kiểm các tàu cá dài 12 đến 15 mét.
Về cơ sở đăng kiểm, theo Nghị định 26, bắt đầu từ 1/1/2020, với cơ sở đăng kiểm nhà nước hay tư nhân, đều phải Hội đồng đánh giá, quyết định công nhận đủ điều kiện mới hoạt động. Đặc biệt, các cơ sở này phải có chứng nhận quản lý chất lượng nội bộ ISO.
“Công tác đăng kiểm chủ yếu kiểm tra an toàn kỹ thuật hàng năm của tàu cá, giám sát khi tàu hư hỏng, tai nạn… cần cải hoán, sửa chữa, và tàu cá trước khi đóng mới. Bởi khi đóng mới, cần phải có thiết kế, phê duyệt thiết, giám sát thi công và cấp giấy chứng nhận cuối cùng. Việc tham gia các công đoạn đăng kiểm tùy thuộc trình độ các hạng đăng kiểm viên”, ông Trung nói.
Về đào tạo đăng kiểm viên, muốn được đăng kiểm viên hạng 3, muốn được bổ nhiệm anh phải đi học và có thời gian tập sự (trình độ đại học là 6 tháng, đại học, trung cấp là 1 năm).
Đăng kiểm viên hạng 3 phải mất 3 năm sau mới được nâng lên hạng 2, và từ hạng 2 sau 3 năm mới được nâng lên hạng 1. Theo ông Trung, trước đây, đăng kiểm viên cả nước khoảng 320 người. Vừa rồi, Tổng cục đã mở lớp đào tạo và bổ sung thêm khoảng 30 đăng kiểm viên hạng 3 và sẽ được bổ sung trong thời gian tới.
Đánh dấu để phân biệt tàu cá trên biển
Theo ông Tổng cục Thủy sản, trước đây Việt Nam có đánh dấu tàu cá bằng các vạch chéo sơn màu vàng trên cabin tàu. Tuy nhiên, hiện thực hiện khuyến nghị của EC, Việt Nam đã luật hóa và có quy định mới.
Theo đó, với tàu hoạt động vùng khơi (dài 15 mét trở lên), toàn bộ cabin sẽ sơn màu ghi sáng. Tàu cá dài từ 12 đến 15 mét hoạt động vùng lông, cabin sẽ sơn màu màu nhạt. Tàu dưới 12 mét hoạt động ven bờ phải sơn cabin màu xanh.
Việc phân định rõ tàu được phép hoạt động vùng nào phải sơn cabin màu đó, sẽ giúp việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát tốt hơn. “Nếu anh tàu vùng khơi, màu ghi sáng, mà anh đánh bắt vùng bờ, hay vùng lộng… thì không cần kiểm tra đã biết rõ tàu đó vi phạm. Tuy nhiên, hiện một số địa phương vấn đề sơn cabin vẫn chưa đúng quy định, cần phải chấn chỉnh trong thời gian tới”, ông Trung nói.
Liên quan đến hạn ngạch tàu cá, Tổng cục Thủy sản cho biết, số lượng tàu được khống chế bằng hạn ngạch, trong đó vùng khơi Tổng cục Thủy sản đã cấp cho các địa phương, các tỉnh chỉ được duy trì số tàu trong khuôn khổ đó.
Do vậy, muốn đóng mới một tàu cá khai thác vùng khơi, tàu đó phải có giấy chấp thuận của Sở NN&PTNT, và Sở phải dựa vào hạn ngạch được cấp, lúc đó mới được đi thiết kế và đóng tàu.
Nếu tàu đóng mới mà không có chấp thuận của Sở NN&PTNT, sẽ phạt cả chủ tàu, cơ sở đóng tàu và nếu đăng kiểm viên phê duyệt thiết kế, giảm sát thi công…sẽ bị tước thẻ. Ngoài xử phạt vi phạm, con tàu đó sẽ dỡ ra, tránh phát triển tự do như trước đây.
Còn đối vùng lộng và ven bờ do địa phương quy định và phải công bố hạn ngạch số lượng tàu theo Luật Thủy sản, chỉ được phát triển số lượng tàu theo số lượng khống chế. Việc giám sẽ do lực lượng kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương, thanh tra thủy sản và các lực lượng khác để xử lý.