Siết chặt việc kiểm tra mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo các doanh nghiệp, bên cạnh việc nâng diện tích mã số vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc công nhận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cần mạnh tay xử lý những đơn vị giả mạo mã số vùng trồng, tránh mồ hôi công sức của ngành hàng "đổ xuống sông, xuống biển" khi còn chưa kịp mở cửa. 

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), sau khi Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, dù lô hàng đầu tiên chưa được xuất khẩu, nhưng trên thị trường đã có hợp tác xã, doanh nghiệp phản ánh tình trạng đơn vị giả mạo mã số vùng trồng của những hợp tác xã, doanh nghiệp này để xuất hàng sang Trung Quốc.

Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thành Thực - Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang, cho rằng, cần đưa việc giả mạo thông tin xuất xứ hàng hóa vào khung pháp lý và có chế tài xử phạt mạnh tay đối với những đơn vị vi phạm. Bởi, nếu chỉ cần Trung Quốc phát hiện ra các lô hàng giả mạo, không chỉ những lô hàng giả mạo bị dừng, mà còn ảnh hưởng đến “thể hiện quốc gia”, thương hiệu sầu riêng Việt Nam.

Theo bà Thực, đối với những doanh nghiệp làm ăn chính đáng, tốn nhiều công sức để xây dựng mã số vùng trồng, mã số đóng gói sẽ có nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng. Điển hình như câu chuyện về xoài Đồng Tháp cách đây 2 năm. Khi đó, hợp tác xã (HTX) Mỹ Xương - Cao Lãnh rất bức xúc vì bị phía Trung Quốc thông báo tạm ngừng nhập khẩu xoài từ mã của họ (dù họ là nạn nhân) khiến hợp tác xã "mất nồi cơm".

Siết chặt việc kiểm tra mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc ảnh 1

Theo các doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những đơn vị giả mạo vùng trồng sầu riêng xuất sang Trung Quốc

Theo bà Thực, hiện các cơ quan như hải quan, thuế, kiểm dịch, doanh nghiệp, ngân hàng, đều liên thông được số liệu với nhau. Bất cứ khâu nào cũng có thể phát hiện gian lận.

Do đó, Bộ NN&PTNT và Hải quan các cửa khẩu, chính quyền địa phương, đơn vị kiểm dịch thực vật, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan thuế… cần quản lý chặt việc sử dụng các mã số vùng trồng, mã số đóng gói trên các lô hàng.

Theo bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, ngành sầu riêng đã mang lại doanh thu cực kỳ lớn cho Thái Lan. Việt Nam đã mất thời gian dài chờ đợi để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện đã có những đơn vị giả mạo mã số trên thị trường khiến các doanh nghiệp chân chính không khỏi lo lắng.

“Làm sao để những chuyến hàng đầu tiên không có rủi ro nào, để giữ chữ tín ở thị trường Trung Quốc. Con đường đàm phán đã khó nhưng làm sao phát triển được thị trường này còn khó hơn”, bà Vy chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng, việc gian lận mã số vùng trồng không chỉ mất uy tín, mà có thể mất cả thị trường. Do đó, trong thời gian tới, chúng ta cần làm sao phải nâng lên được diện tích mã số vùng trồng được công nhận. Đồng thời, các địa phương, đơn vị cần có biện pháp kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các đơn vị sử dụng mã số vùng trồng không xin phép.

Các doanh nghiệp chỉ nhập hàng và đóng gói tại vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Trường hợp không sở hữu vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số thì phải có giấy ủy quyền hoặc xác nhận của đại diện/chủ mã số bằng văn bản…

Chuẩn bị xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên

Bộ NN&PTNT cho biết, ngày 17/9, tại quảng trường Tân An (huyện Krông Pắc, UBND tỉnh Đắk Lắk) sẽ tổ chức lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo nghị định thư ký kết giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Chương trình có sự tham gia của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị liên quan của cả phía Việt Nam và Trung Quốc. Đây là thành quả của quá trình đàm phán, ký kết nghị định thư giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc trong suốt 4 năm vừa qua.

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.