Sau khi có thông tin liên quan đến 2 ca nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Prey Veng(Campuchia), UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các địa phương và các sở, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng gia cầm thẩm lậu qua biên giới từ Campuchia về Việt Nam, ngăn chặn virus cúm A/H5N1 có thể xâm nhập vào địa phương.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra giám sát các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kịp thời. Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới, lưu thông trong tỉnh không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với Sở Y tế trong giám sát phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người và đơn vị có liên quan, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố triển khai có hiệu quả các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học giúp cho người chăn nuôi sớm ổn định, phát triển sản xuất.
Đối với Sở Y tế, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu thông tin kịp thời, chính xác về các trường hợp nghi nhiễm cúm trên người; chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tra ổ dịch, lấy mẫu giám sát, tổ chức điều trị cho các bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm cúm gia cầm; tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh phát sinh và lây lan rộng trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm để kịp thời cứu chữa; chủ động phương án cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để, tránh để dịch bệnh lây lan khi phát hiện có người nghi mắc bệnh; chủ động dự phòng đủ cơ số trang thiết bị y tế, thuốc và hoá chất cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Tỉnh.
Với Sở Công Thương, UBND tỉnh yêu cầu phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, các ngành chức năng chủ động kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc; tuyên truyền vận động người dân kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm đã qua kiểm dịch theo đúng quy định.
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh triển khai thực hiện nghiêm kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới. Đặc biệt tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới; chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh.
Tỉnh Prey Veng của Campuchia có đường biên giới giáp với tỉnh Long An, Tây Ninh và Đồng Tháp nên nguy cơ xâm nhập của dịch bệnh ở mức cao. Trước tình hình trên, Viện Pasteur TPHCM đề nghị Sở Y tế 20 tỉnh, thành phố phía Nam chỉ đạo các đơn vị/phòng ban trực thuộc triển khai các biện pháp phòng chống cúm A/H5N1.