Toán học như một câu chuyện
Cũng giống như chương trình hiện hành, chương trình giáo dục phổ thông mới thiết kế môn Toán là một trong những môn có thời lượng nhiều nhất. Ở SGK hiện hành, do tiếp cận nội dung là chủ yếu, ít thực hành, ít liên hệ với đời sống, nên việc dạy – học môn toán thường bị nặng, không gây hứng thú cho học sinh.
GS.TSKH Đinh Thế Lục, Tổng Chủ biên môn Toán của bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” - 1 trong những bộ sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới – cho biết, SGK môn toán của bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” được xây dựng nhằm bảo đảm thành công việc học tích cực của học sinh. Điều này được thể hiện qua ba điểm mới gồm:
Học sinh sẽ không còn sợ Toán.
Các bài học được thiết kế theo mô hình hoạt động. Các hoạt động đều xuất phát từ những tình huống thực tế, gần gũi với học sinh, với mức độ tư duy được nâng dần cùng với quá trình phát triển năng lực của học sinh.
Mỗi học sinh là một thành viên tích cực trong các hoạt động dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Thông qua các hoạt động, học sinh tham gia hình thành kiến thức, luyện tập kiến thức và vận dụng kiến thức;
Các chủ đề học được sắp xếp logic, các hoạt động luyện tập và ứng dụng luôn bám sát kiến thức, đa dạng nhưng gắn liền các vấn đề thực tiễn, vừa đủ để phát triển các phẩm chất và năng lực cần thiết, nhưng cũng vừa sức cho số đông học sinh ở miền núi cũng như miền xuôi, ở nông thôn cũng như thành thị;
Sách được thiết kế đẹp, nhiều màu, với những hình ảnh sinh động, hài hòa giữa kênh hình và kênh chữ. Lật các trang sách, học sinh sẽ có cảm giác như xem một cuốn truyện tranh hấp dẫn, muốn tìm hiểu kỹ từng nội dung từ trang đầu cho tới trang cuối, và chờ đón SGK của năm tiếp theo.
Từ ba điểm tạo nên sự khác biệt căn bản với sách hiện hành, GS. Đinh Thế Lục cho rằng học theo phương pháp của SGK mới này, học sinh sẽ biết học Toán để làm gì, học Toán có ích như thế nào.
Đồng thời, các em sẽ thấy rằng môn Toán không còn khô khan, không còn nặng nề, không còn khó hiểu. Học sinh cũng sẽ yêu giờ học Toán, yêu môn Toán và các thầy cô dạy Toán.
Phá vỡ cấu trúc truyền thống
Chia sẻ về chương trình giáo dục môn Toán, PGS Lê Anh Vinh, Chủ biên sách giáo khoa Toán lớp 1 “Kết nối tri thức với cuộc sống” cho biết Toán học vốn là một bức tranh đẹp, nhưng với chương trình Toán hiện hành, có thể thấy, phần lớn học sinh chỉ được học “tô lại” bức tranh đó hoặc tô “hàng rào”.
Để dẫn chứng, ông cho biết đã xuống các trường học của Hà Nội, từ trường công lập đến trường chất lượng cao, hỏi học sinh tiểu học thích nhất bài toán nào, chỉ có một học sinh cho biết thích nhất bảng cửu chương vì giúp tính toán nhanh. Tương tự, cũng câu hỏi đó, một học sinh THCS thích nhất phép tính lũy thừa.
Thậm chí đến cả giáo viên, khi được hỏi cũng không trả lời được tiết học nào là thú vị nhất, cảm thấy vui nhất, hạnh phúc nhất.
Chia sẻ về điểm mới trong cuốn sách Toán của nhóm tác giả do mình chủ biên, PGS. Lê Anh Vinh cho hay sách được cấu trúc theo bài học và chủ đề, chứ không cấu trúc theo tiết học như trước đây. Do đó giáo viên có thể linh hoạt khi giảng dạy.
Trong mỗi bài học sẽ có 4 phần. Phần 1 là Khám phá để gợi mở và tìm hiểu kiến thức mới.
Ở phần 2 là Hoạt động, học sinh được thực hành để nắm kiến thức.
Phần thứ 3 được nhóm tác giả tâm đắc là các Trò chơi. Trò chơi được thiết kế để có thể tổ chức cho các em tự chơi một mình, theo cặp hoặc theo nhóm và về nhà có thể chơi với gia đình.
Phần thứ 4 là Luyện tập để ôn tập, vận dụng và củng cố lại kiến thức.
Điểm khác biệt nữa là sách xây dựng tuyến nhân vật xuyên suốt, gồm 4 bạn nhỏ: Mai, Nam và Việt là 3 bạn cùng lớp, Mi 3 tuổi là em gái của Mai . Có một nhân vật đặc biệt là bạn robot để tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Robot sẽ tham gia rất nhiều hoạt động từ việc trồng cây, chăn nuôi rồi xây nhà…Trong cuốn sách có nhiều hoạt động mà robot là nhân vật chính, tạo ra được tiếng cười cho trẻ thông qua những hình vẽ minh họa.
Điểm mới thứ ba là hoạt động phong phú và đa dạng. Cuốn sách có 8 trò chơi, trung bình khoảng 3 tuần thì sẽ có 1 trò. Ví dụ trò Bắt gà xuất hiện cuối bài 1 khi dạy xong các số từ 1 đến 10. Trò chơi Đưa ong về tổ bằng tung xúc xắc,…
Thứ tư, sách gắn Toán học với thực tiễn, lồng ghép tích hợp nội dung liên môn như đưa nội dung câu chuyện Rùa và Thỏ, Dế mèn phiêu lưu ký,… qua các câu chuyện ngụ ngôn học được cách xem giờ,…
PGS. Lê Anh Vinh cho biết, nội dung kết cấu này được xuất phát từ chính thực tế quá trình tham gia dạy Toán đối với học sinh. Theo ông, học sinh không sợ Toán, thậm chí còn rất thích Toán nếu biết cách cho các em học và chơi cùng Toán.