Một số nhạc sỹ tên tuổi trong những bài hát “ruột” của mình đã sử dụng yếu tố “sex” một cách tự nhiên, thoải mái, khán giả không những không phản đối, còn vỗ tay động viên.
Mới đây, trong lần tái xuất hiếm hoi mùa dịch COVID, ở một chương trình ca nhạc của hải ngoại, khi được hỏi Trịnh Nam Sơn thích nhất câu nào, đoạn nào trong bài “Dĩ vãng”, một trong những bài hát được nhiều khán giả yêu thích nhất của anh, nhạc sỹ kiêm ca sỹ không ngại ngần đọc: “Còn nhớ đôi ta đêm nào/Quấn quít bên nhau/Thân xác rã rời”. Anh cũng chia sẻ: Đây là những câu hát được nhiều khán giả thuộc lòng.
Con gái của danh ca Thái Thanh, ca sỹ Ý Lan, một trong những người trình bày thành công “Dĩ vãng”, đã bình luận: Những câu hát này thật quá! “Dĩ vãng” là ca khúc đầu tay của Trịnh Nam Sơn, được anh viết cuối năm 1988, nghe nói ban đầu chỉ là một bài tập thực hành nhạc không lời vào năm 1985-1986. Nếu điểm danh những nhạc sỹ Việt sử dụng yếu tố sex thành công trong ca khúc, không thể không kể đến Trịnh Nam Sơn (thước đo thành công ở đây chỉ xét ở hiệu ứng với khán giả). Ngoài “Dĩ vãng”, Trịnh Nam Sơn còn có “Nuối tiếc” rất được yêu thích, trong đó có đoạn điệp khúc: “Đã biết có hôm nay/Mà chúng ta vẫn yêu dại cuồng/Dưới ánh trăng đôi chúng ta/Đã cùng nhau gối chăn mặn nồng/Và quên đi ngày mai chúng ta chia ly”.
Không chỉ có cha đẻ “Con đường màu xanh” hay đưa giây phút thăng hoa trong tình yêu lứa đôi vào ca khúc, nhạc sỹ Vũ Thành An trong ca khúc nổi tiếng “Bài không tên cuối cùng” cũng dữ dội không kém: “Này em hỡi, con đường em đi đó/Con đường em theo đó/Sẽ đưa em sang đâu/Mưa bên chồng có làm em khóc/Có làm em nhớ, những khi mình mặn nồng”. Chẳng cần nói thẳng, nói thật “gối chăn mặn nồng” như Trịnh Nam Sơn, Vũ Thành An chỉ nhắc “những khi mình mặn nồng”, cũng đủ để “em” của ông hiểu và người yêu nhạc hiểu những gì đằng sau đó.
Hay “Bài không tên số 2”: “Chiều về không buông nắng, cho mây âm thầm/Một mình trong chiều vắng, nhớ đôi môi mềm/Ngày nào ân cần trao thân”. Tìm cả trong văn xuôi lẫn trong thi ca Việt cũng không thấy ai viết về sự dâng hiến trong tình yêu nâng niu, cảm động như Vũ Thành An: “Ân cần trao thân”. Các nhạc sỹ khi sử dụng yếu tố sex trong âm nhạc thường dùng không gian đêm, bởi: “Ngày nuôi tình yêu lớn dậy/Đêm đắp khát khao lên đầy” (Vũ Thành An - Bài không tên số 10).
Một số người bình luận vui, “Như đã dấu yêu” của nhạc sỹ Đức Huy là ca khúc về đề tài ngoại tình thành công nhất. Họ lấy dẫn chứng: “Trong đôi mắt anh em là tất cả/Là nguồn vui, là hạnh phúc em dấu yêu/Nhưng anh ước gì/Mình gặp nhau lúc em chưa ràng buộc/Và anh chưa thuộc về ai”. Không chỉ đề cập mảng đề tài người ta kiêng dè, “Như đã dấu yêu” còn đặc biệt gợi cảm ở ca từ: “Anh sẽ cố quên rằng mình đã đến trong nhau/Nồng nàn như đã dấu yêu từ thuở nào”. Song ca khúc này của Đức Huy vẫn chứng tỏ sức sống bền lâu, không kém “Đừng xa em đêm nay”, một tình khúc khát khao, mãnh liệt hiếm có ở ta: “Đừng xa em đêm nay khu phố quen đã ngủ say/Đừng xa em đêm nay đêm rất dài/Hãy yêu em đêm nay cho quên hết đi ngày mai/Đừng xa em, đừng xa em đêm nay”.
Nhớ một thời sáng tác của nhạc sỹ Xuân Hồng làm nhiều người ngạc nhiên khi nhắc đến “hôn”: “Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau/Đường phố ơi hãy yên lặng /Để hai người hôn nhau/Chim ơi đừng bay nhé/Hoa ơi hãy tỏa hương/Và cây ơi lay thật khẽ/Cho đôi bạn trẻ đón xuân về”. Bài hát ra đời vào năm 1985, thời bao cấp, khó khăn, thiếu thốn. “Mùa xuân bên cửa sổ” là ca khúc phổ thơ của nữ sĩ Song Hảo: “Cao cao bên cửa sổ/Có hai người hôn nhau/Hai người rất trẻ/Hãy im nghe/Rì rầm đường phố/Bên cửa sổ có hai người hôn nhau/Đêm chín rồi/Rất khẽ/Trăng ơi ghen nhé/Có hai người yêu nhau…”. Về sau này, những tình khúc không thể thiếu “gia vị” hôn.
Và hôn mãi cũng “ngấy” hay sao, mà sử dụng yếu tố sex trong ca khúc một cách hấp dẫn cũng không dễ, nên có người muốn phá cách, gây chú ý một cách dễ dãi, mới sinh nở: “Như lời đồn”. Ca khúc nói về chuyện yêu đương giữa anh với em song chẳng đọng lại ấn tượng gì ngoài cái tên gây tranh cãi, đến mức người trình bày ca khúc, còn phải lên tiếng: “Đề nghị các bạn trẻ ngừng đọc lái tên bài hát dưới mọi hình thức”. Thế còn ra gì? Mới hỏi một thi sĩ nổi tiếng, rằng: Tại sao các ca khúc cũ sử dụng yếu tố sex khá mạnh bạo vẫn được khán giả cổ vũ, còn bây giờ đụng đến chăn gối không khéo có khi lại bị “ném đá”? Thi sĩ cười, đưa ra lời đáp: “Ngày xưa dùng chăn gối để nói cái khác. Còn nay nói những cái khác để cuối cùng… trở về chăn gối”. Nghe cũng có lý. Trở lại với Trịnh Nam Sơn trong lần tái xuất mới đây, anh tâm sự, sau những câu hát về “thân xác rã rời”, thì những lời ca được anh gửi gắm tâm trạng lại chính là: “Lời yêu thương em nỡ vô tình, quên thật sao/Còn lại tôi ôm lấy riêng mình, tình dưới vực sâu” (Dĩ vãng).