Sẽ truy cứu hình sự nếu để mất nguồn phóng xạ?

Một trong những nguồn phóng xạ từng bị thất lạc ở Việt Nam.
Một trong những nguồn phóng xạ từng bị thất lạc ở Việt Nam.
TP - Gần một năm rưỡi, 3 vụ mất nguồn phóng xạ xảy ra lần lượt ở TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bắc Kạn, trong đó, nguồn phóng xạ ở TPHCM có mức nguy hiểm cấp 1, có thể gây chết người ở trong vài phút đến một giờ tiếp xúc. Vì sao gần đây liên tục mất nguồn phóng xạ? Trường hợp nghiêm trọng, có nên truy cứu trách nhiệm hình sự? 

Tháng 9/2014, Cty TNHH APAVE châu Á - Thái Bình Dương, tại quận Tân Bình, TPHCM bị mất trộm một nguồn phóng xạ. Thiết bị này có chức năng chụp ảnh xuyên thấu (NTD) chứa nhiều chất phóng xạ nguy hiểm, có thể khiến người bị nhiễm xạ bỏng, nhiễm độc phóng xạ và chết. Theo ông Cấn Văn Minh, nguyên Phó Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân, Bộ KH&CN (khi đó đương chức), việc thất lạc chủ yếu do cơ sở lưu giữ thiếu ý thức. Lẽ ra khi di chuyển phải đặt trong thùng kẽm. Hết giờ làm việc phải cất trong hòm nhưng lại để sơ hở, kẻ trộm tưởng máy nước nên ăn cắp bán cho đồng nát với giá 250.000 đồng trong khi giá của nguồn phóng xạ này là 300 triệu đồng. Rất may tìm lại được.

Nguyên nhân vụ mất nguồn phóng xạ vừa xảy ra ở Bắc Kạn, theo Bộ KH&CN, cũng chủ yếu do ý thức của bên quản lý trực tiếp nguồn phóng xạ. “Ngày 15/5/2015, Sở KH&CN Bắc Kạn kiểm tra an toàn  tại cơ sở lưu giữ nguồn phóng xạ của Công ty Cổ phần Xi măng Bắc Kạn. Sở này đã kiến nghị một ngân hàng Bắc Kạn (đơn vị tiếp quản tài sản của Công ty Cổ phần Xi măng Bắc Kạn từ 31/3/2015) quản lý, bảo vệ nguồn phóng xạ. Thế nhưng người ta không nâng cao trách nhiệm, không nhận thức được vấn đề”, ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân nói.

Ông Tấn cho biết: “Việc buôn bán nguồn phóng xạ bị cấm. Nhiều nguồn phóng xạ cũng không có giá trị kinh tế như nguồn phóng xạ ở Nhà máy xi măng Bắc Kạn chỉ 6 triệu đồng. Chủ yếu người dân thấy thiết bị thì ăn trộm đi bán đồng nát vì khối bảo vệ nguồn xạ có nhiều chì”.

Vậy trách nhiệm của Bộ KH&CN đến đâu nguồn phóng xạ liên tiếp bị thất lạc? Ông Tấn cho biết, Bộ KH&CN quản lý bằng cấp phép, thanh tra, kiểm tra cũng như xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 21/7/2015, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 13 sửa đổi bổ sung Thông tư 23 hướng dẫn đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ. Muốn sử dụng nguồn phóng xạ, phải lập hồ sơ xin cấp phép lên Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân. Với các nguồn phóng xạ lớn, phải thành lập Hội đồng đánh giá, thẩm định, sau đó cấp phép sử dụng. Nhân viên sử dụng nguồn phóng xạ cũng phải được cấp phép. Cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ phải thực hiện các yêu cầu trong giấy phép từ vận chuyển, lưu trữ, sử dụng, bảo quản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. 

“Quy định đã có đủ, quan trọng là các cơ sở quản lý có làm hay không”, ông Tấn nói. Trong trường hợp nguồn phóng xạ bị thất lạc gây ra thương vong, đơn vị chủ quản nguồn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính.

Ông Tấn cũng cho biết, đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn phóng xạ thực hiện nghiêm việc bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ.

Chưa tìm thấy

Chiều qua, ông Lê Văn Thế, Phó Giám đốc Sở KH&CN Bắc Kạn cho biết, việc tìm kiếm đã mở rộng ra toàn địa bàn thành phố Bắc Kạn nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu khả nghi. 

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.