Thông điệp được đưa ra tại hội nghị về công tác quản lý, sử dụng đất đai Tây Nguyên được tổ chức ngày 19/1 ở Đắk Nông. Các đại biểu cho rằng đất rừng Tây Nguyên đang bị buông lỏng quản lý, xâm chiếm tràn lan.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, 5 tỉnh Tây Nguyên đang quản lý gần 2,5 triệu ha đất lâm nghiệp, được giao cho 108 công ty. Nhưng phần lớn các công ty không giữ được đất rừng, để lấn chiếm và sang nhượng tràn lan.
Ông Trương Thanh Tùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: Tại tỉnh Đắk Nông, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng mối quan hệ với các công ty lâm nghiệp ký giao khoán đất lâm nghiệp rồi không chịu đầu tư, chờ thời cơ chuyển nhượng dự án trái phép để thu lợi.
Tại Đắk Nông, cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm cán bộ từ xã đến tỉnh được các công ty lâm nghiệp giao khoán đất rừng trái quy định. Nhiều lãnh đạo không thuộc diện được nhận giao khoán đất rừng vẫn nhận đất rừng cho người nhà canh tác. Ông Bùi Thanh Lam-Giám đốc Sở TN&MT Đắk Lắk cho hay: Khoảng 160 nghìn ha đất rừng của các công ty lâm nghiệp bị buông lỏng quản lý, xâm chiếm và chặt phá tràn lan, bị sử dụng trái phép mà địa phương chưa có giải pháp xử lý.
Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đều cho rằng, việc phá rừng tại các công ty lâm nghiệp của dân di cư tự do đến Tây Nguyên có mục đích chủ yếu là chiếm đất sản xuất. Có nhiều vụ tranh chấp đất đai giữa người dân và các công ty lâm nghiệp dẫn tới “đổ máu”. Điển hình là vụ án giành đất ở xã Quảng Trực (Tuy Đức, Đắk Nông) dẫn tới nổ súng, khiến 16 nhân viên Cty Long Sơn chết và bị thương vào tháng 10/2016.