Sẽ tách việc quản lý và dịch vụ kiểm định xe

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dự kiến, trong năm 2024, Bộ Giao thông vận tải sẽ hoàn thành việc sắp xếp, tách chức năng cung cấp dịch vụ đăng kiểm và chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về đăng kiểm khỏi Cục Đăng kiểm Việt Nam. Đây là một trong các giải pháp để minh bạch hoạt động này, sau khi hàng loạt cán bộ Cục Đăng kiểm và một số trung tâm đăng kiểm bị khởi tố, tạm giam liên quan tới tiêu cực, tham nhũng, sai phạm.

Khi vụ án liên quan tới sai phạm, tham nhũng tại các trung tâm đăng kiểm xảy ra, đã có một số lãnh đạo Cục Đăng kiểm bị khởi tố, tạm giam. Qua các vụ án được phát hiện cũng bộc lộ vấn đề, khi việc phân cấp, phân quyền cho địa phương quản lý chưa cao, dẫn tới công tác giám sát chưa đủ hiệu quả. Trong khi đó, Cục Đăng kiểm vừa làm chức năng quản lý nhà nước vừa trực tiếp có các trung tâm đăng kiểm hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định phương tiện, nên phát sinh tình huống “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Sẽ tách việc quản lý và dịch vụ kiểm định xe ảnh 1

Trong năm nay, Bộ GTVT sẽ triển khai các bước để tách chức năng cung cấp dịch vụ đăng kiểm khỏi chức năng quản lý nhà nước của Cục Đăng kiểm (Ảnh: H.Việt).

Tại hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành giao thông vận tải (GTVT) vừa diễn ra, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: Năm 2023, bộ đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý những tồn tại, khó khăn sau những sai phạm của hoạt động đăng kiểm. Đến tháng 6/2023, đã giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm.

“Bộ đang tập trung thực hiện các giải pháp để đổi mới toàn diện hoạt động đăng kiểm theo hướng có đóng, có mở, công khai, minh bạch, hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ và tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp”, ông Thắng nói.

Bộ GTVT đặt nhiệm vụ, trong năm nay sẽ hoàn thiện và triển khai thực hiện phương án tách bạch, phân định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đăng kiểm với chức năng tổ chức cung ứng dịch vụ đăng kiểm tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Xây dựng, ban hành hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, giá dịch vụ đăng kiểm theo quy định của Luật Giá năm 2023, phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho các đơn vị đăng kiểm hoạt động ổn định, phát triển.

Bộ GTVT cũng tập trung đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá hoạt động kiểm định xe cơ giới cho các Sở GTVT địa phương. Bộ GTVT cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ đăng kiểm, đảm bảo công khai, minh bạch.

Hiện, Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý, vận hành 37 trung tâm đăng kiểm, thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, hàng hải và công trình biển.

Cục Đăng kiểm dự kiến, sẽ sắp xếp, tổ chức lại các chi cục, trung tâm đăng kiểm trực thuộc, định hướng thành 7 trung tâm đăng kiểm, gồm: Trung tâm Thử nghiệm xe cơ giới; Trung tâm Thử nghiệm Khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Trung tâm Đăng kiểm tàu biển và công trình biển; Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; Trung tâm Đăng kiểm Chất lượng xe cơ giới và đường sắt; Trung tâm Kiểm định xe cơ giới; Trung tâm Đánh giá chứng nhận sự phù hợp.

Sau tổ chức lại, các trung tâm này vẫn thuộc Cục Đăng kiểm, nhưng cục chỉ bổ nhiệm lãnh đạo đơn vị, các đơn vị hoàn toàn tự chủ, độc lập về tổ chức, tài chính, con người. Sau đó, nếu đơn vị nào đủ điều kiện sẽ cổ phần hóa.

Các Chi cục Đăng kiểm trên cả nước sau khi sắp xếp lại sẽ chỉ duy trì 3 đơn vị phân theo khu vực Bắc, Trung, Nam (có trụ sở tại Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM) để tham mưu, giúp cục trưởng Cục Đăng kiểm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đăng kiểm. Các Chi cục Đăng kiểm không thực hiện nhiệm vụ tổ chức cung ứng dịch vụ đăng kiểm phương tiện.

Triển khai các giải pháp trên, trong năm 2023, Bộ GTVT đã sửa đổi quy định và đề xuất cấp thẩm quyền ban hành quy định phân cấp cho Sở GTVT các địa phương thực hiện chức năng cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới của các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn; thực hiện thanh tra, kiểm tra tại địa phương. Cho phép các trung tâm đăng kiểm của lực lượng Quân đội, Công an và các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô chính hãng được cung cấp dịch vụ kiểm định xe dân sự.

Bộ GTVT cũng thực hiện từng bước sắp xếp lại bộ máy Cục Đăng kiểm. Theo đó, đã sáp nhập, hợp nhất 4 Chi cục Đăng kiểm địa phương, gồm: Sáp nhập Chi cục Đăng kiểm tại Huế vào chi cục tại Đà Nẵng; hợp nhất chi cục tại Sóc Trăng với Trà Vinh, Bạc Liêu với Cà Mau, Bến Tre với Tiền Giang. Tại Cục Đăng kiểm, hợp nhất Trung tâm Tin học với Trung tâm Tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm.

Bộ GTVT cũng chỉ đạo thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với một số lĩnh vực được dư luận xã hội hết sức quan tâm, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, trong đó có đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

MỚI - NÓNG