Ngày 26/11, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2015 với sự có mặt của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hơn 500 chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp.
Giám sát, phát hiện vi phạm và phạt nguội qua camera giao thông là vấn đề được nhiều cơ quan chức năng, giới chuyên gia đặc biệt quan tâm. Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng CSGT (C67, Bộ Công an) đánh giá, việc xử lý vi phạm qua hình ảnh là xu hướng “không thể khác” trong tuần tra, xử lý vi phạm giao thông; không chỉ làm người vi phạm “tâm phục, khẩu phục” mà còn góp phần phát hiện ra những tội phạm liên quan đến an ninh, trật tự. Theo một số chuyên gia, xử phạt qua hình ảnh cũng tránh tình trạng “mãi lộ” của lực lượng thực thi pháp luật.
Theo báo cáo của C67, riêng tuyến Pháp Vân (Hà Nội) - Ninh Bình, hệ thống camera đã hỗ trợ xử lý hơn 20.000 trường hợp, nộp ngân sách hơn 10 tỷ đồng, kéo giảm cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết và bị thương) trên tuyến khoảng 20%. Ngoài tuyến này, hệ thống camera đã được lắp đặt trên QL 1A qua 10 tỉnh; các địa phương (Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Đồng Nai...) cũng tự lắp đặt. Tuy nhiên, theo đánh giá của C67, camera hiện nay chủ yếu sử dụng để quan sát, điều tiết giao thông và xử lý một số lỗi đơn giản (như dừng đỗ sai quy định).
Trên cơ sở đó, ông Trần Sơn Hà đề nghị sớm triển khai, nâng cấp hệ thống camera theo Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT trên các tuyến đường bộ trọng điểm đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2009. “Chúng tôi đề nghị chủ xe, trước hết là chủ ô tô khi đăng ký xe phải đăng ký luôn tài khoản nộp phạt” - ông Hà nói.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương đánh giá kết quả dự án triển khai thí điểm hệ thống giám sát và xử lý vi phạm giao thông theo hình thức xã hội hóa; mở rộng triển khai trên các tuyến quốc lộ trọng điểm và đường cao tốc. Phó Thủ tướng đồng ý về chủ trương triển khai theo hình thức thuê dịch vụ; nguồn kinh phí lấy từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ.