Sẽ làm rõ trách nhiệm thực hiện từ thiện, không để trường hợp 'om tiền' như Hoài Linh

0:00 / 0:00
0:00
Hoài Linh trong clip lên tiếng giải thích về số tiền kêu gọi ủng hộ lũ lụt miền trung cuối năm 2020 nhưng tới nay chưa đem ủng hộ.
Hoài Linh trong clip lên tiếng giải thích về số tiền kêu gọi ủng hộ lũ lụt miền trung cuối năm 2020 nhưng tới nay chưa đem ủng hộ.
TPO - Dự kiến, trong tuần tới Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định quy định về vận động, tiếp nhận, sử dụng đóng góp từ thiện của cá nhân, tổ chức. Quy định mới sẽ có những ràng buộc trách nhiệm rõ ràng hơn của người đứng ra huy động đóng góp của xã hội nhưng 'om' hơn 6 tháng mà chưa trao cho người dân bị lũ lụt cần cứu trợ ở miền Trung như trường hợp của nghệ sĩ Hoài Linh.

Chuyện NSƯT Võ Nguyễn Hoài Linh (Hoài Linh) giữ hơn 13 tỷ đồng tiền quyên góp từ thiện ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung suốt hơn 6 tháng qua tiếp tục cho thấy nhiều vấn đề liên quan tới hoạt động này cần có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn. Việc có quy định rõ ràng trong hoạt động quyên góp từ thiện vừa giúp bảo vệ người đứng ra quyên góp, vừa giữ được lòng tin của cộng đồng, xã hội ủng hộ hoạt động ý nghĩa này.

Sáng 26/5, trao đổi với Tiền Phong, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, bộ đã tiếp thu ý kiến và hoàn thiện Dự thảo Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Dự kiến, dự thảo sẽ trình Chính phủ xem xét trong tuần tới.

Theo ông Hưng, Dự thảo Nghị định mới bổ sung 1 số quy định về trách nhiệm của chính quyền, người đứng ra quyên góp từ thiện. Với người đứng ra quyên góp, trước khi kêu gọi đóng góp phải thông báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú việc kêu gọi, kế hoạch thực hiện, để nếu có ai cần xác minh người kêu gọi trước khi ủng hộ thì chính quyền địa phương sẽ xác nhận.

Khi kêu gọi ủng hộ, người kêu gọi có trách nhiệm công khai mục đích sử dụng vào việc gì, ngắn hạn hay cho các chiến dịch dài hạn, số tiền huy động được; sau khi phân phát, ủng hộ thừa, thiếu bao nhiêu, nếu thừa sẽ trả lại hay ủng hộ cho việc khác, hoặc ủng hộ sau. Việc công khai thông tin được thực hiện theo kênh huy động, tức thông báo huy động trên kênh thông tin nào thì công khai kết quả thự chiện theo kênh đó.

Về giải pháp để người huy động sử dụng tiền ủng hộ đúng mục đích ban đầu, theo ông Hưng, do hoạt động quyên góp từ thiện là tự nguyện và dân sự, nên dự thảo nghị định mới chỉ quy định khung trên cơ sở thoả thuận dân sự.

Nếu xảy ra trường hợp người quyên góp sử dụng tiền ủng hộ không đúng mục đích ban đầu kêu gọi, sử dụng không hết… các bên xử lý theo thoả thuận nếu có, nếu không có thoả thuận sẽ căn cứ theo pháp luật dân sự để xử lý.

“Nhà nước không can thiệp sâu vào các quan hệ dân sự, để tạo sự chủ động cho người có tấm lòng, vừa linh hoạt trong hoạt động và cũng ràng buộc trách nhiệm các bên”, ông Hưng nói.

Sẽ làm rõ trách nhiệm thực hiện từ thiện, không để trường hợp 'om tiền' như Hoài Linh ảnh 1

Ca sĩ Thuỷ Tiên trực tiếp mang hàng và tiền kêu gọi ủng hộ được tới tận tay người dân miền Trung chịu ảnh hưởng lũ lụt cuối năm 2020.

Theo lãnh đạo Vụ Ngân sách Nhà nước, việc phân phát từ thiện có 2 cách, là người quyên góp trao tận tay người nhận ủng hộ, hoặc chuyển qua chính quyền địa phương.

Trường hợp người quyên góp ủng hộ trực tiếp cho người dân, khi đi ủng hộ bắt buộc phải thông báo với chính quyền địa phương nơi mình tới. Quy định này nhằm tránh rủi ro, nguy hiểm cho người tới ủng hộ, vì địa phương mới biết khu vực nào an toàn cho phép tới. Đồng thời, địa phương cũng có thể tham gia điều phối việc phân phát đúng đối tượng, tránh trùng lặp người được người không vì đều khó khăn như nhau.

Trường hợp chuyển tiền, hàng cứu trợ qua chính quyền địa phương để chính quyền phân phát cho người dân, nếu ủng hộ người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch hoạ, thì quy định chỉ cho phép chính quyền tiếp nhận trong khoảng thời gian nhất định.

Trong trường hợp thiên tai, dịch hoạ, chính quyền phải thông báo rõ ràng, công khai thời gian tiếp nhận ủng hộ (có gia hạn theo tình hình thực tế), hết thời gian này sẽ không được tiếp nhận thêm. Khi tiếp nhận và phân phát tiền, hàng ủng hộ, chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm công khai đến người ủng hộ.

Trường hợp chính quyền địa phương hết hạn tiếp nhận ủng hộ, còn người đứng ra kêu gọi ủng hộ ban đầu dự kiến sẽ đi phát trực tiếp, vì lý do nào đó không không đi được, muốn gửi qua địa phương, người đứng ra kêu gọi và tiếp nhận phải thoả thuận với những người đóng góp. Khi đó chính quyền địa phương mới được tiếp nhận, phân phát có trách nhiệm thông báo lại kết quả thực hiện với người đã chuyển cho địa phương.

Theo ông Hưng, các quy định trên là với ủng hộ, từ thiện theo sự vụ, như thiên tai, dịch hoạ, còn hoạt động huy động ủng hộ cho các chiến dịch dài hạn, như xây nhà cho người nghèo, xây trường học vùng khó khăn… thì theo thoả thuận giữa bên tiếp nhận và người ủng hộ. Thậm chí, các bên ủng hộ và tiếp nhận có thể tạm thời đem đầu tư khoản tiền kết dư chưa dùng tới vào các lĩnh vực an toàn, như trái phiếu chính phủ để sinh lời, có thêm nguồn thu cho hoạt động.

“Nghị định chỉ quy định khung, mang tính pháp lý chung, vì hoạt động từ thiện rất đa dạng, theo nguyện vọng từng đối tượng, nhóm đối tượng, mục đích vì cộng đồng hướng tới”, ông Hưng nói thêm.

MỚI - NÓNG