Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho hay: Việc các cá nhân tự mình hoặc vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm góp tiền để làm từ thiện khá phổ biến ở Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên |
Xét về phương diện pháp luật, hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về thời gian cũng như đối tượng quyên góp từ thiện. Tuy vậy, trong trường hợp này, người nhận ủy quyền là Hoài Linh cần chủ động, công khai thông tin về sự chậm trễ triển khai hoạt động từ thiện. Việc chậm trễ triển khai đã làm ảnh hưởng đến ý nghĩa, mục đích của hoạt động cứu trợ.
Theo luật sư Nguyên, nhà nước cần phải điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật để phù hợp với thực tế mới có thể phát huy nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ người khó khăn.
Theo luật sư Nguyên, Khoản 3, Điều 3, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ (quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khắn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo) có nghiêm cấm hành vi Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.
Việc Hoài Linh chậm chuyển số tiền ủng hộ đến bà con chịu bão lũ miền Trung, nếu đánh giá trên góc độ pháp luật hiện hành thì chưa phải vi phạm nghiêm trọng. Hiện nay, không thể quy chụp, cáo buộc sự chậm trễ đó đồng nghĩa với hành vi tiêu cực, trục lợi tiền ủng hộ.
Luật sư Nguyên nói thêm, Điều 4, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP đã quy định tổ chức kêu gọi, vận động đóng góp tiền, hàng cứu trợ khi xảy ra những sự kiện như thiên tai, hỏa hoạn, sự cố liên quan đến nhân đạo thì chỉ có cơ quan Mặt trận tổ Quốc các cấp mới là cơ quan có quyền thực hiện việc này.
“Chưa có quy định từ thiện cá nhân, chưa có quy định về tổ chức khác tham gia kêu gọi từ thiện. Theo tôi, cần phải mở rộng đối tượng để việc hoạt động từ thiện là của toàn thể xã hội thực hiện. Ai có điều kiện, lòng hảo tâm đều có thể tham gia, miễn là họ trong sáng, không vụ lợi, hướng tới người cần cứu trợ, giúp đỡ”, luật sư nói.
Như báo Tiền Phong thông tin, từ tháng 10/2020 đến tháng 11/2020, NSƯT Hoài Linh từng kêu gọi được số tiền hơn 13,4 tỷ đồng để ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do lũ lụt. Sáu tháng trôi qua, dù vẫn thường xuyên sử dụng mạng xã hội, đăng bài viết đều đặn nhưng nghệ sĩ Hoài Linh vẫn chưa có động thái thông báo chính thức với mọi người về cách thức sử dụng số tiền quyên góp này để giúp đỡ bà con miền Trung. Từ đây, dấy lên những nghi vấn danh hài chưa triển khai giải ngân số tiền từ thiện gần 14 tỷ đồng nêu trên.
Ngày 24/5 diễn viên hài lên tiếng về số tiền này. Theo đó, Hoài Linh cho hay toàn bộ số tiền quyên góp được vẫn nằm trong tài khoản riêng dành cho mục đích thiện nguyện đã lập trước. Anh đã và đang liên hệ với các cơ quan địa phương để thực hiện các hoạt động thiện nguyện đến khi hết số tiền. Nghệ sĩ này cũng cung cấp một số văn bản có liên quan trong đó có giấy xác nhận của các địa phương như Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Ngày 23/10/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 8876/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64 (“Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”) nhằm đảm bảo việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện bảo đảm hiệu quả, kịp thời, khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia.
Ngày 25/12/2020, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 64 trên cổng thông tin của Bộ để thu thập ý kiến đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Hiện nay, dự thảo này vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến.