Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà:

'Sẽ không còn những vụ việc như cà phê Xin Chào'

 Ông Lê Mạnh Hà cho biết Nghị quyết 35 của Chính phủ vừa ban hành sẽ ngăn chặn các vụ việc tương tự như cà phê Xin Chào diễn ra
Ông Lê Mạnh Hà cho biết Nghị quyết 35 của Chính phủ vừa ban hành sẽ ngăn chặn các vụ việc tương tự như cà phê Xin Chào diễn ra
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định Nghị quyết 35 nêu cao tinh thần không hình sự hoá các quan hệ kinh tế sẽ giúp các vụ tương tự như cà phê Xin Chào không tiếp tục xảy ra.

Sáng 27/5, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thông tin về Nghị quyết 35 vừa mới được ban hành nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Tại họp báo, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết với Nghị quyết 35, lần đầu tiên doanh nghiệp tư nhân được xác định chính thức là động lực để phát triển kinh tế. Nội dung của Nghị quyết có nhiều điểm mới như mỗi năm chỉ thanh kiểm tra một lần và đối thoại hai lần. Chính phủ cũng yêu cầu cần phải có thống kê chi phí không chính thức.

Một điểm mới được Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh là Nghị quyết 35 nêu cao tinh thần không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật.

"Với Nghị quyết 35, các vụ việc gây ồn ào như cà phê Xin Chào sẽ không xảy ra nữa", ông Lê Mạnh Hà khẳng định và cho biết thời gian qua vụ việc quán cà phê Xin Chào, chòi ngỗng… gây nhiều dư luận xấu và khiến doanh nghiệp bất an. Qua nhiều cuộc họp của Chính phủ cũng như tiếp xúc với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra tuyên bố rất mạnh mẽ là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Đây là quan điểm rất quan trọng, khiến doanh nghiệp yên tâm, tập trung vào hoạt động cốt lõi.

Ngoài ra, để doanh nghiệp tập trung vào các hoạt động kinh doanh, tránh tình trạng mỗi năm phải tiếp hàng trăm đoàn kiểm tra của các bộ ngành, ông Hà khẳng định Nghị quyết mới quy định chỉ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần trong năm và thống kê chi tiết các chi phí không chính thức.

Nếu như bị kiểm tra nhiều hơn một lần, doanh nghiệp có quyền từ chối không tiếp. Việc kiểm tra ít không có nghĩa là dung túng cho các doanh nghiệp làm sai trái mà nhằm giảm các chi phí không chính thức mà phía doanh nghiệp phải chịu. Không thể có việc doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, không vi phạm mà phải liên tiếp đón các đoàn thanh tra.

"Để giám sát chặt chẽ, các cơ quan chức năng sẽ khoanh vùng các đối tượng doanh nghiệp có nguy cơ vi phạm cao, cũng giống như nghiệp vụ của phía công an. Điều này sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, hạn chế doanh nghiệp không vi phạm gì vẫn bị hỏi thăm thường xuyên", ông Hà nói.

Nghị định 35 đề cập doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ, được tạo thuận lợi để đầu tư, kinh doanh và phát triển. Tất cả các doanh nghiệp đều bình đẳng, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và đầu tư kinh doanh. Điều kiện kinh doanh rõ ràng, minh bạch và dễ thực hiện. Sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cho biết, qua các cuộc nghiên cứu, khảo sát, có một tỷ lệ rất cao doanh nghiệp trả lời đã phải trả một chi phí không chính thức lớn. Bên cạnh đó các chi phí về lương, bảo hiểm cho người lao động… chiếm tới hơn 40% lợi nhuận của doanh nghiệp, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Các chi phí tăng cao khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư - Đặng Huy Đông, các chi phí quá lớn sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó trong việc mở rộng phát triển. Chẳng hạn, có một doanh nghiệp đang sử dụng 5.000 lao động từng cho biết nếu các chi phí về lương, bảo hiểm,… không tăng, họ có thể đầu tư thêm một nhà máy tại vùng sâu và vùng xa cho hơn 5.000 lao động nữa. Tuy nhiên, với bối cảnh doanh nghiệp phải chịu chi phí không chính thức và chính thức quá lớn, họ đã quyết định không đầu tư, như vậy đồng nghĩa với việc hơn 5.000 người dân vùng sâu, vùng xa mất đi cơ hội việc làm. Ông Đông cho rằng với người lao động, quan trọng nhất vẫn là có việc để làm.

"Cần hết sức cẩn thận với thu phí, tiền ở trong túi doanh nghiệp, họ có quyền đầu tư hay không, người làm chính sách cũng cần trung hoà để đảm bảo lợi ích của các bên", Thứ trưởng Đông nói.

Trong khi đó, ông Lê Mạnh Hà cho rằng cần phải thống kê ngay những chi phí không chính thức khiến doanh nghiệp bức xúc. Vị này kể, có nhiều doanh nghiệp còn tự nguyện chi vài trăm triệu đồng để quyên góp cho địa phương mỗi khi có kêu gọi xã hội hoá. Đằng sau những khoản tiền này là quyền lực, lợi ích nhóm. Chính điều đó làm méo mó môi trường kinh doanh.

Để đạt được tham vọng một triệu doanh nghiệp đến năm 2020 trong bối cảnh số doanh nghiệp chết đi chiếm 50% số doanh nghiệp thành lập mới, Thứ trưởng Đông cho rằng chừng nào mà doanh nghiệp thành lập mới vẫn cao hơn doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì vẫn ổn. Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp giải thể, như do sự chuyển dịch của ngành nghề, xu thế hội nhập, cạnh tranh gay gắt...

"Phải có một môi trường kinh doanh sạch để doanh nghiệp hơi yếu cũng có thể sống được. Còn như môi trường mà xấu thì doanh nghiệp khoẻ cũng chết”, ông Hà nói và cho rằng với "Chính phủ hành động", Nghị quyết 35 sẽ đi vào thực tế, khắc phục tình trạng chính sách thay đổi kiểu "sáng nắng chiều mưa" gây khó cho doanh nghiệp.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG