Ngày 18/6, Hội an toàn giao thông, chi hội Cứu hộ giao thông (Bộ GTVT) phối hợp với báo Giao thông tổ chức toạ đàm “Chính sách pháp luật và ứng dụng công nghệ thông tin trong cứu hộ giao thông”.
Theo thống kê, cả nước có hơn 3,1 triệu xe ô tô đang hoạt động nên công tác cứu hộ ngày càng cần thiết. Đã có hơn 100 doanh nghiệp (DN) cứu hộ thành lập tại 63 tỉnh thành trên cả nước.
Tuy nhiên công tác cứu hộ còn nhiều hạn chế như xác định vị trí và vấn đề cần cứu hộ chưa chính xác, cụ thể. Thời gian cứu hộ chưa nhanh chóng, giải toả hiện trường chậm gây ách tắc giao thông. Giá dịch vụ chưa hợp lý, thậm chí xảy ra tình trạng móc nối với gara, trạm nhiên liệu để chặt chém người bị nạn.
Trước tình trạng trên, Chi hội cứu hộ giao thông đường bộ tổ chức tọa đàm nhằm xây dựng giải pháp công nghệ thông tin để kết nối giữa người bị nạn và đơn vị cứu hộ. Dịch vụ này có nguyên lý hoạt động như ứng dụng “Grab”. Theo đó, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, ứng dụng gọi xe cứu hộ được xây dựng với sự kết nối giữa khách hàng và đơn vị cứu hộ. Việc tương tác và xác định vị trí dựa trên nền tảng di động và tín hiệu GPS với bản đồ số trực quan, hỗ trợ theo dõi, dẫn đường. Người bị nạn chủ động lựa chọn, theo dõi quá trình cứu hộ và đánh giá chất lượng dịch vụ cũng như nhà cung cấp.
“Khách hàng được lựa chọn trên hệ thống giá chung. Hiện lên bao nhiêu DN cứu hộ, chi phí cứu hộ. Cả khách hàng và đơn vị cứu hộ đều thuận lợi”, đại diện DN cứu hộ tại Bình Định cho biết.