Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, diễn ra từ ngày 7-12/5, tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; và một số vấn đề quan trọng khác.
Sự kiện trên đã thu hút đông đảo sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phóng viên tại các địa phương đã ghi lại ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn.
Quan tâm, coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ
Về Đề án Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, theo bà Nguyễn Thị Vinh, cán bộ hưu trí tại phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý hiện nay cần được quan tâm, coi trọng. Bà Vinh cho rằng, quá trình thực hiện công tác cán bộ phải được triển khai nghiêm túc, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm từ việc thực hiện quy trình lựa chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại… tránh tình trạng lợi ích nhóm trong lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ, gây bức xúc trong nhân dân.
Theo Chánh Văn phòng Hội Cựu chiến binh tỉnh Thừa Thiên-Huế Bùi Quang Tình, Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đây có thể xem là bước đột phá trong việc đổi mới công tác cán bộ, nhất là trong sự nghiệp cách mạng và thời kỳ đổi mới. Đáng chú ý, trong Đề án nêu giải pháp nhằm thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, điều này sẽ giúp kiểm soát quyền lực tốt hơn, cũng như hạn chế tình trạng "chạy chức," "chạy quyền", ưu tiên cho con cháu, họ hàng.
Bên cạnh đó, việc cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ, đảng viên phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm; tạo động lực cho cán bộ có tâm có tầm.
Góp ý về Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, ông Lê Thanh Nhân, đảng viên, cán bộ hưu trí phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ kỳ vọng Đề án được Hội nghị Trung ương 7 bàn thảo sẽ có biện pháp mạnh mẽ liên quan đến công tác quy hoạch cán bộ, trong đó quy định chặt chẽ cán bộ làm việc trong các cơ quan nhà nước phải xét đúng người có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp, đúng chuyên ngành để cống hiến cho xã hội, đất nước.
Đề án sẽ có quyết sách thẳng tay dẹp vấn nạn “cả dòng họ làm quan” trong các cơ quan công quyền để tạo niềm tin tuyệt đối của người dân đối với các quyết sách của Đảng và Nhà nước...
Ông Võ Thành Đô, đảng viên, cán bộ hưu trí phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, cho rằng đối với chính sách cán bộ, cần quan tâm đào tạo những người vừa có năng lực, trình độ, đồng thời phải có đạo đức.
Theo ông Đô, đạo đức cán bộ phải thông qua giáo dục, đào tạo, kiểm tra, chắt lọc nghiêm túc mới tìm ra được những cán bộ giỏi thực sự, toàn tâm, toàn ý phục vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Vì vậy, trong công tác cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt phải quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng không chỉ về trình độ, kiến thức, mà còn bồi dưỡng đạo đức để có được những cán bộ vừa có tài, vừa có đức.
Theo ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí thành phố Cần Thơ, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII kịp thời.
Trong điều kiện hội nhập, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu cán bộ không có phẩm chất đạo đức tốt sẽ rất dễ bị cám dỗ; kỳ vọng Đề án khi được thông qua sẽ giúp đào tạo ra những lớp cán bộ kế thừa giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, giữ vững phẩm chất của người cán bộ cách mạng...
Trả lương không "cào bằng" sẽ tạo bước đột phá về năng suất lao động
Về Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Ngân, Thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên cho rằng nếu thực hiện chế độ tiền lương mới theo Đề án cải cách của Trung ương, tiền lương của cán bộ, công chức sẽ được cải thiện hơn. Tuy nhiên, việc cải cách này phải gắn với tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy khu vực công, mới tạo ra bước ngoặt trong lao động, sản xuất; tính toán lại quy định về phụ cấp lương giữa các ngành nghề cho phù hợp, hạn chế tình trạng tiền phụ cấp cao hơn tiền lương cơ bản.
Trung ương cũng cần xem xét lại chế độ viên chức ở các đơn vị sự nghiệp. Hiện nay, viên chức thuộc đơn vị sự nghiệp có thu thì có thêm thu nhập, viên chức tại các tổ chức Hội hưởng lương từ ngân sách Nhà nước lại không được bất cứ khoản phụ cấp nào.
Theo Đại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đề án cải cách tiền lương được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đón nhận, hưởng ứng, trong đó có lực lượng vũ trang. Đây là chủ trương đúng đắn, hợp lý và thiết thực. Với Đề án này, tất cả cán bộ có năng lực thực sự đều được hưởng lương xứng đáng, đồng thời tương xứng với trách nhiệm và năng lực của mỗi người. Đối với khối lực lượng vũ trang nói riêng, thời gian qua Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm. Bảng lương của lực lượng vũ trang được quy định riêng thể hiện rõ sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đối với một số chiến sỹ trẻ, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, cần có chế độ hỗ trợ về nhà ở hoặc được hỗ trợ vào lương...
Bà Trần Hoàng Thảo Nguyên, cán bộ Ủy ban Nhân dân phường Phú Nhuận, thành phố Huế, cho rằng vấn đề cải cách tiền lương đang được cả xã hội quan tâm; chính sách tiền lương hợp lý là đầu tư cho phát triển xã hội; trả lương theo đúng chức danh, vị trí việc làm, không "cào bằng" sẽ tạo bước đột phá về năng suất lao động. Trả lương theo cấp bậc, vị trí việc làm, đề cao trách nhiệm trả lương của người đứng đầu, người sử dụng lao động gắn với năng lực, khả năng của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đánh giá cao Chính phủ cùng các bộ có liên quan đã hoàn thiện Đề án về cải cách chính sách tiền lương trình Hội nghị Trung ương 7 xem xét, coi đây là bước đột phá mang tính lịch sử, bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ cho rằng, Đề án đã tính toán bỏ cách tính lương theo hệ số thay bằng số tiền cụ thể cho từng chức vụ, vị trí là điểm đột phá lớn nhất. Trong đó, Đề án cũng đã tính toán đến việc trả lương cho công chức, viên chức theo chức vụ, vị trí việc làm, khối lượng công việc sẽ là cơ sở quan trọng trong thực hiện có hiệu quả chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và xác định số lượng biên chế của 1 cơ quan, đơn vị đơn giản hơn.
Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội có nhiều đột phá
Đối với Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, ông Nguyễn Mạnh Thắng ở thị trấn Đu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho rằng: Trong cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, cái khó là mở rộng bảo hiểm xã hội tự nguyện với đối tượng là nông dân do đối tượng này rất rộng. Chính sách cần quan tâm hơn nữa đến giải pháp cũng như cách xử lý khi mở rộng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nông dân. Ngoài ra, cần cân nhắc chỉ tiêu mà Đề án đưa ra để phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước.
Bà Bùi Thị Trang, công tác tại Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là rất cần thiết, như vậy mới tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội cho toàn dân.
Để làm được điều này cần sửa đổi Luật Việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động, nhanh chóng đưa người thất nghiệp trở lại làm việc, khắc phục tình trạng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp; hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, các doanh nghiệp và người lao động có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện cơ quan thực hiện bảo hiểm xã hội nếu phát hiện có sai phạm trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.
Với Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, ông Trần Văn Minh, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Cần Thơ đánh giá cao Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng đa tầng được Hội nghị Trung ương 7 đưa vào bàn thảo. Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội lần này có nhiều đột phá, mang lại quyền được bảo đảm an sinh xã hội của người dân; tạo ra sự công bằng và chia sẻ trong tham gia bảo hiểm, thu hút được nhiều người dân tham gia hơn. Mô hình bảo hiểm xã hội đa tầng trong Đề án lần này xây dựng trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng là đóng-hưởng, vì vậy mọi đối tượng trong độ tuổi lao động và người có tuổi đều có thể tham gia, không có giới hạn, sẽ tạo sự linh hoạt, đa dạng và hiện đại...