Trao đổi với Tiền Phong sáng ngày 14/10, một nguồn tin cho biết, hiện chính quyền địa phương đang tiến hành phương án thực hiện quyết định cưỡng chế phá dỡ phần vi phạm của công trình nhà A3, ngõ số 8, Lý Nam Đế. Công trình được cấp phép xây 7 tầng nhưng chủ đầu tư đã xây lên 10 tầng.
Sau nhiều lần lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm và yêu cầu ngừng thi công không có kết quả, tháng 10/2015, UBND quận Hoàn Kiếm đã ra văn bản xử lý.
Cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm yêu cầu chủ đầu tư dỡ bỏ phần công trình xây dựng trái phép, phá dỡ 3 tầng 8, 9, 10, diện tích mỗi tầng 140m2, phá dỡ tum thang với diện tích 21,4m2. Ngoài ra, gia đình ông Nguyễn Hoàng Linh phải nộp phạt 15 triệu đồng.
Nguồn tin cũng cho biết, do việc tự tháo dỡ của chủ đầu tư không đảm bảo tiến độ, UBND quận Hoàn Kiếm đã có quyết định cưỡng chế phá dỡ phần vi phạm của công trình.
Tuy nhiên, việc cưỡng chế hiện gặp trở ngại do nhiều yếu tố, như: công trình cao tầng phải thiết lập phương án tháo dỡ để đảm bảo an toàn; bố trí kinh phí; nhà bên cạnh có đơn phản ánh nếu phá dỡ sẽ ảnh hưởng đến họ.
Trước đó khi trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Linh nguyên Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, ông là người đứng tên trong sổ đỏ sở hữu khu đất. Việc xây dựng như thế nào, ông ủy quyền hết cho vợ và người nhà, việc ông đứng tên sổ đỏ không có nghĩa lý gì, bởi đây là đất ông bà để lại.
Liên quan đến các công trình xây dựng sai phép “khủng” trên địa bàn quận Hoàn Kiếm gây bức xúc dư luận, tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải với Quận ủy Hoàn Kiếm mới đây, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 12 công trình vi phạm trật tự xây dựng nhưng đều của những người có “dán mác” nên rất khó xử lý.
Cụ thể, theo ông Dục trong đó 3 công trình sai phép, 9 không phép, sai quy hoạch. “12 công trình kéo dài nhiều năm, khiếu kiện vô cùng bức xúc, nhưng toàn của những người có “dán mác”, nên không giải quyết được”, ông Dục nói. Ông Dục cũng chia sẻ, từ 1/9, quận Hoàn Kiếm đã nhận xử lý công việc này.