Lo giảm trữ lượng
Tại hội nghị bàn về quy hoạch phát triển khai thác hải sản xa bờ đến năm 2020, định hướng đến 2030, Viện Nghiên cứu Hải sản cho biết, số lượng tàu cá đang tăng lên rất nhanh trong thời gian qua, đặc biệt là tàu cá đánh bắt xa bờ (loại công suất 90 CV trở lên).
Đến năm 2015, tổng số tàu cá cả nước đã hơn 107.300 tàu, tăng gần 3 lần so với năm 1990. Đặc biệt, số lượng tàu cá xa bờ đã tăng từ gần 16.900 (năm 2007) tàu lên 33.500 chiếc năm 2016.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), việc gia tăng số lượng tàu tự phát tạo sức ép rất lớn đến nguồn lợi thủy sản. Những nghề khai thác xâm hại đến nguồn lợi vẫn phát triển mạnh, hiệu quả giảm, chưa kể công tác quản lý, công nghệ, bảo quản…còn rất hạn chế.
Theo điều tra Viện Nghiên cứu Hải sản, trữ lượng nguồn lợi hải sản ở các vùng biển Việt Nam ước tính khoảng 4,36 triệu tấn, khả năng khai thác khoảng 2,45 triệu tấn. So với giai đoạn 2000-2005, trữ lượng nguồn lợi hải sản giai đoạn 2011-2015 giảm khoảng 14%, trong đó, nhóm hải sản tầng đáy giảm mạnh nhất 42%, nhóm cá nổi lớn trên 10%, nhóm cá nổi nhỏ 3,5%...
Vụ Khai thác thủy sản cũng cho biết, sức ép về hiệu quả đánh bắt, dẫn đến tình trạng tranh chấp ngư trường giữa các nhóm nghề (lưới kéo với các nghề vây, mành, nghề cố định...).
Sẽ cấp quota
Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu, đến năm 2020, lượng tàu khai thác xa bờ khoảng 32.700 chiếc và duy trì con số này đến năm 2030, giải quyết việc làm cho hơn 230 nghìn lao động.
Tuy nhiên, đến năm 2030, sẽ giảm lượng tàu lưới kéo hiện khoảng 12.000 tàu, còn khoảng 5.000 tàu và tuy nhiên sẽ giảm dần nghề ảnh hưởng môi trường sinh thái như lưới kéo, đăng đáy... Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, sẽ duy trì khoảng 1.440 tàu từ năm 2020-2030.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, hiện lượng tàu cá cả nước tương đối lớn, trong khi nguồn lợi đã suy giảm, nên cần phải tổ chức lại vấn đề khai thác. Theo đó, mục tiêu sẽ giữ ổn định khoảng 30 nghìn tàu như hiện nay, không tăng thêm mà chỉ cải hoán, nâng cấp tàu hiện đại, đầu tư công nghệ khai thác, bảo quản…
Mặt khác, hiện tàu đánh bắt ven bờ chiếm khoảng 70% (hơn 70 nghìn tàu) cũng sẽ cho giảm dần. Trong Dự thảo Luật thủy sản sửa đổi, sẽ phân bổ hạn ngạch về khai thác cho các địa phương. Từ đó, các địa phương sẽ quản lý việc cấp phép đóng mới tàu cá, cấp phép khai thác cũng như kiểm soát được chuỗi thủy sản. “Thậm chí, sẽ như các nước là đánh dấu tàu như các nước, phân biệt màu sắc giữa tàu ven bờ và xa bờ”- ông Tám nói.
Cũng theo ông Tám, hiện thế giới đã quản lý nghề cá bằng quota, và Việt Nam cũng tiến tới việc này. Dựa trên điều tra nguồn lợi, trữ lượng, biết sản lượng cho phép khai thác bền vững. Từ đó, quy hoạch được các nghề, vùng biển để khai thác, kiểm soát đóng mới tàu cá, cấp phép khai thác…giúp bảo vệ được nguồn lợi thuỷ sản.
“Việt Nam sẽ tiến tới cấp quota khai thác cho các địa phương dựa trên nguồn lợi, đồng thời như các nước là đánh dấu tàu như các nước, phân biệt màu sắc giữa tàu ven bờ và xa bờ”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám.