SCIC thúc đẩy quản trị doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế

Quang cảnh buổi hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Ngày 29/3 tại Hà Nội, trong khuôn khổ các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả quản trị công ty tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức Hội thảo “Các thông lệ quốc tế tốt về quản trị công ty dành cho doanh nghiệp có vốn nhà nước và ra mắt các ấn phẩm quản trị công ty của SCIC” cho đối tượng là người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) của SCIC.

Với mục tiêu chính là nâng cao hiệu quả của công tác quản trị công ty tại DN và thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ phối hợp giữa SCIC với người đại diện phần vốn nhà nước tại các DN, hội thảo tập trung giới thiệu một số thông lệ quốc tế tốt về quản trị công ty, trong đó có cơ chế giám sát tài chính của hội đồng quản trị thông qua tiểu ban kiểm toán và kiểm toán nội bộ.

Đặc biệt, tại hội thảo, SCIC đã ra mắt 2 ấn phẩm về quản trị công ty là “Sổ tay Hướng dẫn biểu quyết” và “Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp” dành cho các công ty có vốn góp của SCIC, cùng với cách thức sử dụng hai tài liệu này cho người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn góp SCIC.

Ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng Giám đốc SCIC cho biết: “SCIC hướng tới việc cải thiện tính khoa học và minh bạch trong vấn đề ra quyết định tại các công ty thuộc danh mục. Với Sổ tay Hướng dẫn biểu quyết, người đại diện tại DN được kỳ vọng sẽ nhận thức rõ hơn và nắm bắt vấn đề nhanh hơn trong quá trình nghiên cứu các tài liệu của DN phục vụ việc ra quyết định biểu quyết, tăng tính chuyên nghiệp của người đại diện. Còn Bộ quy tắc quản trị DN sẽ giúp người đại diện và SCIC trong việc tham gia vào các quyết định quản trị công ty theo các chuẩn mực quản trị tiên tiến, giúp công ty nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng giá trị DN, đồng thời gia tăng giá trị phần vốn nhà nước tại DN”.

Nỗ lực đưa các thông lệ quản trị tốt vào DN có vốn nhà nước, suốt thời gian qua, SCIC đã cùng với các đơn vị tư vấn Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và PriceswaterHouse (PwC) xây dựng Bộ Quy tắc Quản trị DN dành cho các DN trong danh mục đầu tư của SCIC. Có thể điểm ra những nội dung nổi bật trong Bộ quy tắc như quyền của cổ đông và đối xử bình đẳng với cổ đông, vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị DN, v.v. Theo phản ánh của các DN áp dụng thí điểm Bộ quy tắc trên, HĐQT và Ban lãnh đạo các DN, thậm chí cả các cổ đông của DN sẽ rất chủ động trong cải thiện quản trị công ty.

Cùng với Bộ quy tắc quản trị DN, SCIC còn xây dựng và áp dụng Sổ tay Hướng dẫn biểu quyết dành cho người đại diện vốn, với sự hỗ trợ của Tổ chức hợp tác tế quốc tế Nhật Bản (JICA) và các chuyên gia tư vấn của Viện nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JERI). Với cuốn sổ tay này, việc tuân thủ và ứng xử của người đại diện vốn hứa hẹn góp phần thúc đẩy mạnh sự phát triển ở nhiều DN.

SCIC thúc đẩy quản trị doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế ảnh 1

Được biết, trước khi công bố chính thức, hai tài liệu này đã được áp dụng thử nghiệm ở một số DN thuộc danh mục của SCIC và nhận được sự đánh giá tích cực từ người đại diện và cả DN.

Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: “Việc SCIC phối hợp với các bên có liên quan để xây dựng, ban hành và áp dụng các tài liệu trên đã thể hiện một quyết tâm và nỗ lực lớn trong việc nâng cao hiệu lực quản trị của chính SCIC và các DN SCIC có cổ phần, phần vốn góp. Tôi đánh giá cao quyết tâm và cách làm này của SCIC”.

Đánh giá về 2 cuốn tài liệu này, ông Hiếu cho biết: “Sổ tay hướng dẫn biểu quyết sẽ giúp người đại diện phần vốn có hướng dẫn để suy nghĩ, đánh giá nhiều hơn về chuyên môn khi tham gia quyết định trong DN mà họ đại diện. Bộ quy tắc quản trị DN đã phản ánh những thông lệ quốc tế tốt về quản trị DN theo khuyến nghị mới nhất của OECD và G20, rất hữu ích khi đưa vào những nội dung tương ứng của luật nhằm tăng hiệu lực áp dụng của bộ quy tắc”.

Theo bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị FTel, đây là một bộ quy tắc đầy đủ, hiện đại và theo chuẩn mực toàn cầu, hỗ trợ hoạt động quản trị doanh nghiệp một cách bài bản và có hệ thống. Đối với FTel, Bộ quy tắc quản trị DN còn giúp cho việc kết nối với các quy định và các chuẩn mực khác mà doanh nghiệp đang áp dụng như Bảng điểm cân bằng (BSC), ISO 9001:2015, ISO 27001, ISO 50001… để hệ thống hóa và đồng bộ, nhất quán trong việc áp dụng và triển khai, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị DN, quá trình sản xuất - kinh doanh, chăm sóc khách hàng và đặc biệt là việc nâng cao hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp trên thị trường, tăng cường lợi ích cho các cổ đông và đẩy mạnh chiến lược toàn cầu hóa.

Bà Lê Thị Hoài Thu, Tổng giám đốc ACS nhận xét, Bộ quy tắc quản trị DN thực sự rất hữu ích trong việc nâng cao chất lượng công tác quản trị DN. Chẳng hạn, việc thực hành các nguyên tắc về minh bạch thông tin sẽ làm tăng sự tin tưởng của cổ đông, nhà đầu tư và cộng đồng đối với hoạt động điều hành của ban lãnh đạo DN. Đặc biệt, bộ quy tắc đưa ra những yêu cầu và hướng dẫn rất cụ thể cho hoạt động của HĐQT, như việc thúc đẩy đối thoại với cổ đông, quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ, thành viên độc lập không điều hành, tạo lập và quảng bá văn hóa DN… Với vai trò của HĐQT là đầu tàu dẫn dắt và định hướng doanh nghiệp, việc áp dụng các chuẩn mực tiên tiến này sẽ giúp HĐQT trở nên năng động, tích cực và hữu dụng hơn bao giờ hết.

Thông qua việc xây dựng Bộ quy tắc quản trị DN và Hướng dẫn quyền biểu quyết sử dụng cho đại diện của nhà nước tại các công ty thành viên, SCIC đang tỏ rõ quyết tâm để trở thành người tiên phong trong việc phổ biến các thông lệ quản trị DN tốt tại Việt Nam.

Việc xây dựng các ấn phẩm quản trị công ty dành cho các công ty có vốn góp của SCIC là điểm khởi đầu mở đường cho việc xây dựng mô hình quản trị DN hiệu quả. Trong quá trình sử dụng, SCIC sẽ tiếp tục phối hợp với các DN thường xuyên đánh giá, xem xét và cập nhật để phù hợp với những thay đổi trong môi trường kinh doanh.

Theo ông Chris Razook, Trưởng nhóm QTCT khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (Tổ chức Tài chính quốc tế), Nhà nước với vai trò chủ sở hữu phải hành động tích cực, có hiểu biết và phải thực hiện quyền sở hữu phù hợp với cơ cấu pháp lý của mỗi DN. Các trách nhiệm chính bao gồm: có đại diện tại đại hội cổ đông và biểu quyết, thực hiện hiệu quả quyền biểu quyết; xây dựng quy trình đề cử HĐQT rõ ràng, dựa trên năng lực và minh bạch ở DN mà Nhà nước sở hữu toàn bộ hoặc một phần; thiết lập hệ thống báo cáo cho phép cơ quan sở hữu thường xuyên giám sát, kiểm toán và đánh giá hiệu quả DNNN; chính sách thù lao rõ ràng thành viên HĐQT của DNNN để thúc đẩy lợi ích trung và dài hạn của DN cũng như thu hút và khuyến khích chuyên gia trình độ cao…

MỚI - NÓNG