Người đàn ông 49 tuổi cùng bạn lái chiếc xe tăng T-55 dọc phố ở Pajeczno, một thành phố nhỏ ở miền trung Ba Lan, vào tối 13/6 (giờ địa phương), truyền hình Belarus Belsat TV đưa tin ngày 14/6.
Cảnh sát Pajeczno nhận được thông báo về việc xe tăng diễu phố vào lúc 9 giờ 40 phút tối thứ Năm. Vài phút sau đó, cảnh sát xuất hiện, chặn chiếc xe tăng trên phố Mickiewicz và thấy lái xe trong tình trạng say xỉn.
Sau khi sửa xong xe tăng, đáng lẽ chủ xe phải chuyển nó bằng xe chuyên dụng. Nhưng ông này lại mời người quen lên xe tăng đi dạo phố cho “máu”.
Phải đến 5 giờ sáng hôm sau, cảnh sát mới đưa được xe tăng lên xe container và đưa ra khỏi trung tâm thành phố. Rất may là không có thiệt hại gì về người và tài sản trong vụ xe tăng diễu phố này.
Chỉ có lái xe là bị tạm giữ, phải qua đêm trong đồn cảnh sát. Giờ đây, ông này có nguy cơ bị kết án tới 8 năm tù giam vì tội tạo ra tình huống nguy hiểm cho cộng đồng. Với tội danh nhẹ hơn, lái xe trong tình trạng say rượu, ông này cũng có thể phải bóc lịch 2 năm.
Chiếc xe tăng T-55 được chế tạo từ thời Liên Xô, từng thuộc biên chế của Các lực lượng vũ trang Ba Lan, nặng 36 tấn. Hãng tin Nga RT dẫn lời báo chí Ba Lan viết rằng, chủ xe tăng không mua bảo hiểm cho xe.
Trên mạng xã hội Twitter, nhiều người bình luận rằng, vụ lái xe tăng dạo phố rất giống phiên bản mới của trò chơi điện tử nổi tiếng “Grand Theft Auto”, chỉ khác là bối cảnh Ba Lan.
Mẫu xe tăng được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử
Cùng với T-54, T-55 là dòng xe tăng do Liên Xô sản xuất và trang bị cho quân đội giai đoạn 1947-1962. Đây là dòng xe tăng được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử - 95.000 chiếc, theo Military Discovery. Kể từ sau Thế chiến thứ hai, T-54 được sử dụng nhiều hơn tất cả các loại xe tăng khác.
So với T-54, T-55 có nhiều điểm mới, như công suất động cơ tăng từ 520 lên 580 mã lực, tăng nhiên liệu và cơ số đạn từ 34 lên 43 viên đạn pháo 100mm, thêm máy nén khí, hệ thống cứu nạn, khói nhiệt…
Khác với T-54B, ban đầu T-55 không có súng phòng không 12,7mm trên nóc xe. Đến năm 1969, T-55 lại có súng phòng không DShK. T-55 không có vòm ở bên phải như T-54.
T-55 và biến thể T-55A được xuất khẩu sang 40 nước trên thế giới. T-55A trình làng đầu những năm 1960, rồi tiếp tục được sản xuất tới tận năm 1981 ở Liên Xô. Trung Quốc, Tiệp Khắc, Ba Lan cũng được phép sản xuất dòng xe tăng này. Đến những năm 1980, Liên Xô thay T-54 và T-55 bằng T-62, T-64 và T-80.
T-54 được dùng nhiều trong các cuộc chiến ở Hungary, Tiệp Khắc, Syria, các nước Ảrập (chống Israel), Việt Nam (thập niên 70), Campuchia, Uganda…
Đến đầu thế kỷ 21, xe tăng T-54 và các phiên bản nâng cấp vẫn có mặt trong quân đội nhiều nước trên thế giới.