Mỹ tăng quân tới Ba Lan, Nga cau mày

Mỹ tăng quân tới Ba Lan, Nga cau mày
TPO - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/6 tuyên bố đang chuyển thêm 1.000 binh sĩ Mỹ ở các căn cứ tại Đông Âu sang Nga – động thái được cho là chọc giận Mátxcơva, báo Mỹ Los Angeles Times đưa tin.

Tuy nhiên, Nga chưa đến mức giận tím mặt vì Tổng thống Trump không chấp thuận yêu cầu của Ba Lan là Mỹ hiện diện quân sự thường trực gần biên giới với Nga.

Trước nay, Mỹ luân phiên điều động khoảng 4.000 binh sĩ ra, vào Ba Lan nên 1.000 quân nhân bổ sung chỉ là một “lực lượng hạn chế” (lời ông Trump). Tổng thống Trump tuyên bố, Ba Lan phải trang trải chi phí nhà ở cho binh sĩ Mỹ và xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự cho phía Mỹ sử dụng.

Trấn an đồng minh NATO “yếu tim”

Báo chí Mỹ nhận định, dù quy mô khiêm tốn nhưng việc triển khai quân lần này kết hợp việc Lầu Năm Góc đang xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan có thể khiến Mátxcơva gia tăng chỉ trích Mỹ và NATO leo thang gây hấn ở Trung Âu gần biên giới Nga.

Ba Lan gia nhập NATO năm 1999 sau nhiều năm nằm dưới tầm ảnh hưởng của Nga trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

“Trong năm 2019 này, liên minh giữa Mỹ và Ba Lan đang đạt tầm cao mới phi thường”, ông Trump nói với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại Nhà Trắng trong buổi lễ có sự xuất hiện của hai chiếc máy bay chiến đấu Mỹ F-35. Ba Lan cam kết mua 35 máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ.

Các lực lượng Mỹ thuộc diện chuyển tới Ba Lan có thể bao gồm một phi đội máy bay không người lái Reaper và binh sĩ chuyên về hậu cần, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Giới chức Mỹ và Ba Lan cũng đang thảo luận về việc xây dựng các cơ sở huấn luyện, doanh trại cho lực lượng Mỹ sử dụng trong quá trình luân chuyển quân, đồng thời xây dựng một sân bay và một số thao trường quy mô lớn.   

Tổng thống Trump từ chối trả lời câu hỏi liệu sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Ba Lan sẽ là thường trực hay ngắn hạn vì đây là một vấn đề nhạy cảm với cả Nga và trong lòng NATO. Ông nói ông không muốn “nói về chuyện (đóng quân) lâu dài hay không lâu dài”.

Dù Lầu Năm Góc ủng hộ việc triển khai quân Mỹ ở sát nách Nga, ông Trump vẫn đang “ném đá dò đường”. Hôm 12/6, Tổng thống Mỹ nhắc lại các tuyên bố trước đây của mình là ông muốn thấy quan hệ Mỹ-Nga được cải thiện.

Khi NATO mở rộng, thu nhận các nước từng là “vệ tinh” của Liên Xô trong Chiến tranh Lanh, liên minh quân sự này cam kết không đồn trú lâu dài các lực lượng chiến đấu ở Trung Âu trừ khi tình hình an ninh thay đổi. Nga nói NATO đã vi phạm cam kết này. Nhiều thành viên NATO cho rằng cần thực hiện cam kết này, ít nhất là trên giấy tờ.

Từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Lầu Năm Góc và NATO gia tăng lực lượng ở Trung Âu, trấn an các thành viên NATO “yếu tim” rằng liên minh sẽ bảo vệ họ nếu bị Nga trực tiếp uy hiếp. Ukraine không phải là thành viên NATO.

Kế hoạch hiện nay vẫn chỉ giới hạn ở việc kêu gọi nhanh chóng đưa quân tiếp viện, trang thiết bị từ Đức, Ý và Mỹ tới Trung Âu nếu chiến tranh nổ ra.

Ben Hodges, trung tướng lục quân Mỹ đã nghỉ hưu, người từng chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, nói rằng, quyết định của Tổng thống Trump về việc đưa thêm quân tới Ba Lan rất hữu ích cho việc gia tăng niềm tin của các nước đối với Mỹ và cho việc răn đe Nga.

Mỹ tăng quân tới Ba Lan, Nga cau mày ảnh 1 Tổng thống Nga Donald Trump (phải) và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ký thỏa thuận quốc phòng tại Nhà Trắng. Ảnh: Getty Images.

Gây thiệt hại cho Đức?

Giới chức Lầu Năm Góc nói rằng, kế hoạch chi tiết về việc chuyển quân, bao gồm chi phí, vẫn đang được bàn thảo. Nhưng Tổng thống Trump nói rõ rằng, ông đang cân nhắc chuyển lực lượng từ Đức, nơi hiện có 33.000 binh sĩ Mỹ, hoặc từ một đồng minh NATO khác tới châu Âu.

Ông Hodges cảnh báo rằng, việc lấy quân từ Đức có thể làm gia tăng chia rẽ giữa các thành viên NATO. Sân bay, cảng, đường sắt ở Đức có vai trò trọng yếu đối với các kế hoạch chiến tranh của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga.

“Tôi nghĩ đó sẽ là sai lầm nếu rút quân ở Đức để đưa sang Ba Lan vì điều đó sẽ được coi là đòn trừng phạt dành cho đồng minh quan trọng nhất của chúng ta ở châu Âu”, ông Hodges nhận định.

Tổng thống Trump liên tục chỉ trích Đức không đạt được mục tiêu tự đặt của NATO là chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Hôm 12/6, ông khen ngợi Ba Lan đạt mục tiêu của NATO và chỉ trích việc xây dựng một đường ống dẫn khí nối Đức với Mátxcơva.

Tuy nhiên, việc ông Trump quyết định tăng quân ở Ba Lan không đáp ứng hết mục tiêu của Ba Lan là Mỹ có cơ sở quân sự lâu dài ở nước họ. Trong cuộc gặp với ông Trump ở Phòng Bầu dục tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Duda đề nghị cung cấp 2 tỷ USD và cho thuê hạ tầng lâu dài để quân đội Mỹ thường trú với quy mô lớn ở Ba Lan.

Mỹ đang xây dựng một khẩu đội phòng thủ tên lửa trị giá 800 triệu USD gần thành phố Redzikowo của Ba Lan, gần biển Baltic. Tuy nhiên, việc xây dựng bị trì hoãn vài lần nên nhanh nhất phải đến năm 2020 mới khánh thành.

Nga tuyên bố, việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa này gây mất ổn định khu vực vì nó có thể được sử dụng để bắn hạ tên lửa, hãng tin Nga RT đưa tin.

Mỹ tăng quân tới Ba Lan, Nga cau mày ảnh 2 Mỹ có thể đưa máy bay không người lái tấn công Reaper tới Ba Lan. Ảnh: Defense Maven.
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.