Mong mỏi kết quả quan trắc môi trường trung thực
Ngay sau khi có kết quả công bố khối lượng thủy ngân phát tán ra môi trường của Bộ TN&MT, nhiều người dân phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã tập trung trước cổng Cty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông yêu cầu đối thoại với lãnh đạo công ty.
Bà Cảnh (đại diện tổ dân phố) cho biết, người dân mong muốn được gặp gỡ, đối thoại để Cty nhanh chóng có phương án giải quyết hậu quả nghiêm trọng của vụ cháy và những thiệt hại về vật chất, sức khỏe. Ngoài ra, việc đến ngày 5/9 (8 ngày sau khi xảy ra vụ cháy) Cty Rạng Đông mới cho quây bạt bên ngoài khu vực cháy là thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, bảo vệ Cty không cho người dân đối thoại vì chưa được lãnh đạo Cty cho phép.
Hôm qua, theo ghi nhận của PV tại ngõ 58 Hạ Đình, nhiều người đã chuyển sang dùng nước khoáng đóng chai, hạn chế sử dụng nước sinh hoạt lấy từ vòi. Ngay cả một số người bán hàng tại đầu ngõ 58 Hạ Đình trước đây phản đối với thông báo của phường Hạ Đình về nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng đã thay đổi quan điểm. Đa số người dân mong mỏi sớm có thông tin kết quả quan trắc môi trường đúng và trung thực.
Trước đó, 31 hộ dân tại tổ 24 phường Thanh Xuân Trung đã có đơn kêu cứu gửi báo Tiền Phong bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng sức khỏe sau vụ cháy. Theo các hộ dân, tiếp giáp với nơi họ sinh sống không chỉ có Cty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông mà còn có Cty CP bóng Động Lực, Cty in Thông tấn xã, Cty CP dây cáp điện Cadisun. Các nhà máy hoạt động gây ồn, ô nhiễm… và có nguy cơ cháy nổ rất cao. Các hộ dân yêu cầu các Cty trên tháo dỡ phần nhà xưởng tiếp giáp nhà dân. Buộc các Cty ngừng hoạt động, di chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất đến các khu công nghiệp đảm bảo môi trường.
Ðể người dân an tâm sinh sống
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường của Quốc hội nhận định: “Các cấp quản lý chưa có kinh nghiệm nên chưa lường hết được hậu quả về môi trường trong sự cố cháy tại Cty Rạng Đông”. Dẫn đến sự chậm trễ trong cách ứng phó với sự cố, trong đó có trách nhiệm của chính quyền quận, thành phố. Tất nhiên, sự việc đã xảy ra thì ngoài chuyện quy rõ trách nhiệm điều quan trọng hơn là những giải pháp khẩn cấp để người dân an tâm sinh sống.
Theo bà An, giải pháp ngay lúc này là đánh giá chuẩn xác về chỉ tiêu môi trường trong phạm vi bị ảnh hưởng. Thông số đánh giá phải chính xác, có kiểm tra chéo để có thông tin thực. Cùng với đó, phải giám sát việc thực hiện, công khai minh bạch các thông số tới người dân.
Bà An cho rằng, các cơ quan chức năng cần rà soát ngay những văn bản pháp luật liên quan đến sự cố ô nhiễm môi trường, phát tán chất độc hại như thủy ngân. Nếu chưa có cần bổ sung ngay, tránh lúng túng trong xử lý.
“Đề nghị kiên quyết di dời những cơ sở gây ô nhiễm khỏi nội đô ngay. Nếu không thì phải có chế tài xử lý bởi đây mới là giải pháp lâu dài”, bà An nói. Ngay từ nhiệm kỳ 2004 - 2011, HĐND Hà Nội đã có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất có tính độc hại khỏi nội đô, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Chị Lê Thị Mai (ngõ 277 Nguyễn Trãi) cho biết, ngay từ khi có thông tin về thủy ngân độc hại trong môi trường, chị đã cho cả nhà “tạm lánh” về nhà bố mẹ đẻ. Hai con của chị tạm nghỉ học. Chị Mai cho biết, với những thông tin “bất nhất” như hiện nay về mức độ độc hại, người dân càng lo ngại về sức khỏe.