Di dời đến Quế Võ, Bắc Ninh
Được biết, trước vụ cháy, lãnh đạo công ty CP bóng đèn, phích nước Rạng Đông (gọi tắt là công ty Rạng Đông) đã có kế hoạch di dời sang Quế Võ (Bắc Ninh). Cách đây 2 năm, công ty cũng đã mua thêm đất ở khu vực xây dựng nhà máy, cũng như thuê một đơn vị thiết kế chi tiết toàn bộ nhà máy ở khu vực Bắc Ninh. Đại hội cổ đông của công ty Rạng Đông hồi tháng 5/2019 cũng đã chuẩn y kinh phí, tiến độ di dời nhà máy sang Bắc Ninh, từ nay đến năm 2022 phải hoàn thành.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trước đó, năm 2006 đến cuối năm 2008, công ty Rạng Đông thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, san lấp xây dựng cơ sở 2 tại khu công nghiệp Quế Võ – Bắc Ninh với diện tích 6,2 ha. Vừa sản xuất cơ sở 1, vừa xây dựng cơ sở 2, vừa tháo dỡ di chuyển các lò thủy tinh phích, lò thủy tinh bóng ống và 6 dây chuyền thiết bị sản xuất thủy tinh kèm theo, toàn bộ khâu sản xuất ruột phích và phích hoàn chỉnh.
Năm 2015, thực hiện chiến lược phát triển, tái cấu trúc toàn diện công ty giai đoạn 2011-2015, tái cấu trúc về tổ chức sản xuất, công ty Rạng Đông đã quyết định đầu tư thêm 20.000m2 đất tại khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh, nâng diện tích tại cơ sở 2 lên thành 82.000 m2.
Trước đó, ngày 10/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành văn bản hỏa tốc về việc tiếp tục thực hiện một số giải pháp khắc phục hậu quả vụ cháy tại Công ty Rạng Đông (địa chỉ 87-89 Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân), trong đó có yêu cầu di dời công ty này khỏi nội thành.Trong văn bản kể trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Công an thành phố, sau khi hoàn thành việc lấy mẫu để phục vụ công tác điều tra, khẩn trương bàn giao hiện trường vụ cháy cho công ty Rạng Đông để tiến hành ngay việc thu gom, xử lý toàn bộ chất thải do vụ cháy để lại theo đúng quy trình, quy định hiện hành; sau đó, tổ chức tẩy độc toàn bộ khu vực; đồng thời khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới theo quy định tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, ngày 23/1/2015, Thủ tướng Chính phủ ký văn bản về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Cụ thể, phạm vi áp dụng đối với các cơ sở cần phải di dời trong khu vực nội thành Hà Nội, bao gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
Đối tượng di dời là các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở điều trị có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm lây nhiễm cao, sử dụng quá tải; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực nội thành Hà Nội không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội.
Theo văn bản, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể được xác định phù hợp với điều kiện, địa điểm cụ thể và đặc điểm của từng cơ sở cần phải di dời, đảm bảo tính khả thi. Quá trình thực hiện di dời phải hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến hoạt động của các đối tượng, không ảnh hưởng tới môi trường đô thị và hoạt động xã hội của nhân dân. UBND thành phố Hà Nội và UBND các tỉnh vùng Thủ đô có liên quan chuẩn bị quỹ đất xây dựng nơi được di dời đến phải phù hợp với vị trí, quy mô, chức năng theo quy hoạch xây dựng. Có cơ chế chính sách phù hợp với các đối tượng, đảm bảo tính khả thi để thực hiện việc di dời.
Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho doanh nghiệp bị di dời. Sử dụng hiệu quả quỹ đất còn lại sau khi di dời đúng mục đích, chức năng và các chỉ tiêu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, tuân thủ Luật Thủ đô và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc của thành phố Hà Nội. Căn cứ vào từng vị trí địa điểm cụ thể cần xem xét đánh giá để sử dụng hiệu quả quỹ đất và công trình cho các chức năng đào tạo nghiên cứu khoa học, bố trí cơ sở hạ tầng và công cộng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Yêu cầu cấp bách, thực hiện nửa vời?
Trước đó, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội cho rằng, việc di dời các cơ sở công nghiệp đã được đặt ra từ sau quy hoạch năm 1998 và thành phố đã có rất nhiều chính sách ưu tiên để di dời. Hà Nội cũng đã làm được một số trường hợp, như di dời Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Cơ khí Mai Động.
“Hà Nội có những cơ chế, chính sách rất ưu tiên. Nhà máy Cơ khí Mai Động, Dệt 8/3 được giới thiệu địa điểm thích hợp, hỗ trợ cán bộ, công nhân viên. Ngay như Cty Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông, cũng được giới thiệu vị trí để di dời”, ông Nghiêm nói.
Theo ông Nghiêm, thực tế Hà Nội vẫn chưa thực hiện quyết liệt việc di dời hết các đơn vị cơ sở công nghiệp này. Nguyên nhân được xác định là doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thích nghi với địa điểm mới. Khó khăn chủ yếu là nhiều đơn vị không đủ nguồn để thực hiện di dời.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là thiếu sự chỉ đạo quyết liệt, tạo điều kiện của cơ quan chức năng. Điển hình như khu vực Cao Xà Lá đến bây giờ vẫn chưa di dời được hết. Cũng vì thế, tồn tại một thực tế là nhiều khu nhà xưởng của cơ sở công nghiệp nằm sát vách với nhà dân.