Theo thống kê của cơ quan chức năng, Hà Nội hiện có 2.000 chung cư mini. Sau vụ cháy kinh hoàng tại tòa Khương Hạ, Thanh Xuân làm 56 người thiệt mạng, nhiều người dân đang sinh sống các tòa chung cư mini khác sống trong cảm giác bất an.
Chị Nguyễn Hoa - ở chung cư mini Vũ Tông Phan, Thanh Xuân, Hà Nội - chia sẻ: "Gia đình tôi bỏ ra 1,1 tỷ đồng mua cách đây 8 năm. Từ hôm xảy ra vụ cháy, tôi bị ám ảnh đến tận bây giờ. Dù tôi cũng mua dây thừng, mặt nạ phòng độc cho cả gia đình để phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn không yên tâm".
Hiện trạng chung cư mini ở Hà Nội. |
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn - nhận định, với người mua chung cư mini, họ đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, bán cũng khó vì không có sổ đỏ mà ở thì nơm nớp nỗi lo xảy ra các biến cố.
Theo ông Quốc Anh, giải pháp tạm thời cho người dân đang sở hữu chung cư mini là thành lập ban quản trị chung cư (nếu chưa có) để trao đổi, yêu cầu chủ nhà bảo trì, tu sửa chung cư, đảm bảo các yếu tố vệ sinh, an toàn phòng cháy chữa cháy, trang bị đủ thiết bị phòng ngừa các tình huống khẩn cấp, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam - cho rằng: “Thay vì tìm kiếm chung cư mini ở những khu vực đông đúc dân cư, người dân sẽ hướng đến các dự án nhà ở xã hội và dự án chung cư ở xa trung tâm nhưng đảm bảo an toàn, giá tiền cũng mềm hơn so với các chung cư nội thành. Nguồn cung các loại hình này không dồi dào, nên giá bán có thể nhích dần lên khi nhu cầu tăng. Bên cạnh đó, những căn hộ có diện tích nhỏ trong dự án chung cư của chủ đầu tư uy tín, đã nghiệm thu đầy đủ phòng cháy chữa cháy cũng sẽ thu hút lượng quan tâm lớn hơn”.
Theo báo cáo thị trường bất động sản tháng 9 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ vừa qua chỉ là một “phát súng” cảnh báo các nguy cơ rủi ro của phân khúc này. Thay vì đi vào xử lý khi “việc đã rồi”. Ở góc độ rộng, sâu xa hơn, giải quyết vấn đề về “chốn ở” cho phần đông người dân chính là vấn đề mấu chốt. Theo quan niệm của người dân, “có an cư mới lạc nghiệp”. Vì vậy, tìm được một căn nhà phù hợp với khả năng tài chính, để ổn định cuộc sống là điều mà bất cứ người dân nào cũng mong muốn.
“Khơi thông nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá bình dân chính là chìa khóa, là mấu chốt để có thể giải quyết được triệt để các vấn đề. Để có thể cải thiện nguồn cung các loại sản phẩm này, rất cần thêm các cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tạo điều kiện tối đa cho các chủ đầu tư phát triển phân khúc này. Các ngân hàng cũng nên nghiên cứu các chính sách riêng cho vay mua, phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp. Bởi với đặc thù pháp lý và rủi ro khác nhau, lãi suất cho vay mua các loại hình nhà ở không nên cào bằng như hiện nay", đại diện Hội Môi giới khẳng định.
Theo Hội Môi giới, trên thế giới, Mỹ và Úc đều đã có các ngân hàng đặc thù chuyên cho vay bất động sản, huy động vốn từ thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế với lãi suất thấp hơn ngân hàng thương mại với thời hạn cho vay dài hơn lên đến 30-40 năm. Ngoài ra, cũng nên có thêm các cơ chế hỗ trợ tốt hơn với các khách hàng mua nhà lần đầu tại các thành phố nơi họ sinh sống và làm việc, để tạo thêm cơ hội cho người dân tiếp cận gần hơn với ước mơ về “chốn an cư".
Theo dữ liệu lớn của Batdongsan.com.vn, 8 tháng đầu năm 2023, nhu cầu tìm thuê và mua căn hộ dưới 35m2 tại Hà Nội tăng 11%, tại TP HCM tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Căn hộ có diện tích dưới 35m2 thường là những căn studio trong dự án lớn hoặc căn hộ ở chung cư mini, vốn thu hút sự quan tâm của người dân do mức giá vừa túi tiền và dễ dàng thanh khoản cũng như cho thuê.