Phán quyết của Tòa án tối cao chỉ rõ: phán quyết của 2 cấp tòa án cấp thành phố và tỉnh (Hà Bắc) năm xưa tồn tại 8 vấn đề, trong đó có: “Khi bị bắt không có chứng cứ cho thấy Nhiếp Thụ Bân liên quan đến vụ án”, “thiếu bút lục biên bản thẩm vấn của 5 ngày đầu sau khi bị bắt”, “không loại trừ có khả năng mớm cung”, “thiếu bút lục lời khai của các nhân chứng quan trọng”, “thời gian gây án không xác định”, “thời gian và nguyên nhân tử vong của nạn nhân không xác định”…
Người phụ trách Tòa án tối cao cho báo chí biết: trong điều kiện thiếu các chứng cứ quan trọng, “ hành vi và sự giải thích của cán bộ điều tra vụ án sau đó là không hợp lẽ bình thường”… Tòa tuyên bố Nhiếp Thụ Bân vô tội. Tòa án tỉnh Hà Bắc ngày 2/12 đưa ra lời xin lỗi gia đình nạn nhân, nói sẽ rút bài học kinh nghiệm, điều tra có hay không việc xét xử trái pháp luật và sẽ khởi động trình tự bồi thường của nhà nước theo yêu cầu của gia đình Nhiếp Thụ Bân.
Chết oan ở tuổi 20
Vụ án oan xảy ra hồi tháng 8/1994. Bân bị cáo buộc rằng, buổi tối bám theo cô Khang X, nữ công nhân sau giờ tan ca, lôi cô ra cánh đồng đánh cho ngất, sau đó cưỡng hiếp và dùng áo thắt cổ nạn nhân đến chết. Báo chí hồi ấy khi đưa tin về vụ án này đã ca ngợi các cán bộ nhân viên Cục Công an thành phố Thạch Gia Trang “tích cực bôn ba điều tra, công tác gian khổ, tỉ mỉ”, “giỏi sử dụng chiến thuật công tâm kết hợp chứng cứ, giành được đột phá chỉ sau 1 tuần, khiến hung thủ phải cúi đầu khai nhận tội lỗi…”.
Sau đó, tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, tòa án thành phố Thạch Gia Trang và tỉnh Hà Bắc đều nhận định: “Thực tế Nhiếp Thụ Bân cưỡng hiếp, cố ý giết người, tình tiết chính xác, chứng cứ đầy đủ; tuy có thái độ nhận tội tốt, nhưng tính nguy hại của hành vi nghiêm trọng, không thể miễn tội chết”. Sau khi tòa phúc thẩm kết thúc 2 ngày, Bân bị cấp tốc hành hình khiến gia đình không kịp trở tay. Tuy nhiên, năm 2005 xảy ra chuyện bất ngờ: kẻ sát thủ liên hoàn Vương Thư Kim sau khi bị sa lưới đã khai nhận hắn chính là kẻ cưỡng hiếp và giết chết Khang X. Lời khai của Kim lập tức khiến công luận quan tâm, nhưng vụ việc nhanh chóng bị ỉm đi, vụ án Bân không được xem xét lại.
Quan chức can thiệp điều tra, xét xử
Nhiếp Thụ Bân và Vương Thư Kim (ảnh nhỏ)
Dư luận trước đây đã đặt câu hỏi vì sao quá trình lật án, giải oan cho Nhiếp Thụ Bân lại chậm trễ và không thuận lợi như vậy? Có báo nêu nguyên nhân do lãnh đạo hệ thống chính trị - pháp luật tỉnh Hà Bắc nhúng tay can thiệp. Có báo gọi đây là “Vụ án oan sai hàng đầu Trung Quốc kể từ khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập (1949)”, và nêu nhân vật nhúng tay can thiệp là Trương Việt, nguyên Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Ủy ban Chính pháp Tỉnh ủy Hà Bắc (bị bắt tháng 7/2016 vì vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng, bị Viện Kiểm sát tối cao điều tra từ 8/2016).
Báo chí vạch rõ: sau khi Vương Thư Kim tự thú chính là thủ phạm thực sự hại chết Khang X, Ủy ban Chính pháp Tỉnh ủy Hà Bắc đã cho lập Tổ công tác “một án hai hung thủ” để điều tra lại với cam kết “sẽ nhanh chóng công bố kết quả”, thế nhưng mãi không thực hiện được. Đến tháng 9/2013, Tòa án tỉnh Hà Bắc xử lại lần 2, vẫn phán quyết Bân là hung thủ thực sự, bác bỏ lời khai nhận của Kim, giữ nguyên phán quyết trước đây.
Theo lời kể của luật sư bào chữa cho Kim, các nhân viên tổ công tác của Ủy ban Chính pháp Hà Bắc trong khi điều tra đã khuyên Kim “đừng có khuấy đục vụ án Nhiếp Thụ Bân”, nếu nghe theo, họ sẽ cho bảo lãnh tại ngoại bạn gái và con Kim bị bắt trước đó. Khi Kim cự tuyệt, họ đã tra tấn bức cung, “lôi vào nhà vệ sinh, dùng gậy gỗ quật vào gan bàn chân”, “bắt Kim ngồi liên tục nửa tháng trời trên ghế sắt”.
Ngày 12/12/2014, Tòa án tối cao chỉ định Tòa án tỉnh Sơn Đông phúc tra lại vụ án Nhiếp Thụ Bân, mở ra cách làm mới “tòa án địa phương này phúc tra án nơi khác”. Ngày 16/9/2015, Tòa án Sơn Đông tuyên bố: do tình tiết vụ án hết sức phức tạp, được Tòa án tối cao cho phép, sẽ kéo dài thời hạn phúc tra thêm 3 tháng. Trong quá trình này, người của hệ thống chính pháp Hà Bắc khi phối hợp phúc tra vẫn có thái độ cứng rắn, tuyên bố “chớ có lật lại vụ án này”. Có người cho rằng, nếu Trương Việt không bị quật ngã thì việc lật án, minh oan cho Nhiếp Thụ Bân khó có thể thực hiện được.
Một nhân vật khác được báo chí Trung Quốc nhắc tới là Hứa Vĩnh Duyệt, người tiền nhiệm của Trương Việt. Vụ án Nhiếp Thụ Bân xảy ra khi ông Duyệt đang là Bí thư Ủy ban Chính pháp tỉnh, sau đó chuyển lên làm Bộ trưởng An ninh quốc gia (giai đoạn 1998 - 2007). Ông Duyệt đã ra chỉ thị “phải giết, mà phải làm nhanh”. Chính vì vậy, vụ án Nhiếp Thụ Bân diễn ra với tốc độ nhanh khác thường: ngày 20/4/1995 lập hồ sơ, ngày 22 xét xử, ngày 25 ra phán quyết, ngày 26 ký lệnh tử hình, ngày 27 hành hình”. Theo báo chí Trung Quốc, sau khi đi khỏi Hà Bắc, ông Duyệt vẫn can thiệp, không cho lật lại vụ án.