Chính quyền của ông Obama sẽ phải chuyển qua hướng mới trong đàm phán với Triều Tiên. Và chắc chắn chương trình viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng sẽ bị đình hoãn. Nhưng vẫn có chút mắc mớ ở Washington, rằng cuộc phóng “vệ tinh” của Bình Nhưỡng để kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, đã được lên kế hoạch từ trước, khi ông Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) vẫn còn sống, vì ông qua đời mới được vài tháng.
Cũng có tin nói Triều Tiên đã gửi thư tới chính quyền Obama để nối lại đàm phán sau vụ phóng “vệ tinh”, nhưng phía Mỹ từ chối. Nói gì thì nói, nhiều khả năng sau vụ thử tên lửa, Triều Tiên sẽ tiếp tục con đường “bảo vệ quyền thử vệ tinh với mục đích hòa bình”, cũng như Iran bảo vệ “quyền nghiên cứu về năng lượng hạt nhân”.
Vụ phóng hỏa tiễn Unha-3 cũng là cơ hội để các nước liên quan tập rượt hệ thống phòng thủ tên lửa, triển khai lực lượng phản ứng nhanh và...? nắn gân nhau.
Nhật Bản đã có dịp kiểm tra khả năng phòng thủ tên lửa, vốn thường phải tập luyện dưới các điều kiện giả lập. Nhưng những phản ứng “công khai” của Nhật Bản, triển khai 7 hệ thống tên lửa mặt đất Patriot trên đảo Okinawa, Ishigaki cùng 3 tàu chiến trang bị hệ thống cảnh báo phức hợp Aegis...? được nhiều người xem là sự chuyển đổi từ chính sách thiên về phòng thủ sang thế chủ động.
Động thái của Nhật Bản chắc chắn khiến Trung Quốc, nước đang có tranh chấp biển đảo với Tokyo, giật mình.
Mỹ cũng lấy đây làm dịp thử sức hệ thống radar tân tiến nhất của mình (Sea-Based X-band) để xác định và theo dõi tên lửa Triều Tiên. Và nhân đà này, Mỹ cũng dễ nói chuyện với Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc về việc thiết lập một hệ thống lá chắn tên lửa tương tự ở châu Âu. Dù để tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á, Nhật Bản chắc chắc phải tìm cách sửa đổi hiến pháp để “phục hồi” vị trí của lực lượng quân sự nước này như trước Thế chiến II.
Nhưng luật lệ đều do con người tạo ra, và trước tiên phục vụ sự cầm quyền của chính thể. Chúng hoàn toàn có thể được thay đổi. Ít nhất cho đến lúc này, kế hoạch về một hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á do Mỹ chủ trương sẽ không chỉ thu hút sự chú ý của Iran hay Triều Tiên...?