Ngày 13/11, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, cho biết vừa gửi công văn chỉ đạo của Chủ tịch đến các đơn vị, địa phương về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác và hội họp.
Công văn chỉ đạo nêu rõ, các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm quy chế làm việc, chương trình công tác của UBND tỉnh. Chấp hành nghiêm túc các quyết định, ý kiến chỉ đạo, kết luận của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và báo cáo tiến độ thực hiện theo đúng quy định; trường hợp chậm trễ hoặc không thực hiện được phải kịp thời báo cáo và nêu rõ lý do.
Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trong chỉ đạo thực hiện; không được chuyển giao, đùn đẩy nội dung, phần việc thuộc chức năng, thẩm quyền của mình lên UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh hoặc cho các cơ quan, đơn vị khác.
Trước khi đăng ký, trình xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì công việc phải chuẩn bị đầy đủ nội dung trình, có văn bản cụ thể, tham mưu đề xuất giải pháp, phương án giải quyết rõ ràng, thể hiện rõ quan điểm và gửi văn bản trước cho các thành phần dự họp nghiên cứu.
Trường hợp cần lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị liên quan thì cơ quan chủ trì gửi văn bản lấy ý kiến tham gia, văn bản phải ghi rõ thời hạn cụ thể để các cơ quan đó nghiên cứu đề xuất ý kiến; nếu quá thời hạn mà cơ quan được yêu cầu không có ý kiến phúc đáp thì coi như thống nhất và phải chịu trách nhiệm về nội dung đó.
Trường hợp nội dung trình của cơ quan được giao chủ trì không bảo đảm chất lượng, chưa có ý kiến của các ngành liên quan, nội dung đề xuất còn chung chung, chưa nêu rõ chính kiến, quan điểm thì UBND tỉnh sẽ không xem xét, giải quyết và Thủ trưởng của cơ quan, đơn vị đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với nội dung đề xuất chưa được giải quyết đó.
Đối với các phiên họp, cuộc họp, buổi làm việc của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các cơ quan, đơn vị phải bố trí, cử đúng thành phần tham dự họp; không cử người không đủ thẩm quyền đi dự họp; chuẩn bị tốt các nội dung báo cáo và các ý kiến đề xuất liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình. Trường hợp người thuộc thành phần mời không đến dự được vì lý do bất khả kháng thì phải báo cáo, xin ý kiến cụ thể và được sự chấp thuận của người chủ trì cuộc họp.
Trước đó, ngày 2/11 báo Tiền Phong có bài phản ánh về việc các đơn vị cử cán bộ đi họp thay lãnh đạo tại cuộc họp bàn về công tác đảm bảo an toàn giao thông. Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương làm chủ trì cuộc họp này đã phải tuyên bố hủy vì người đến dự thay “sếp” quá nhiều. Sau gần 1 tuần, UBND tỉnh Bình Dương đã mở họp lại dưới sự chủ trì của ông Thao và đầy đủ lãnh đạo các đơn vị, địa phương đến dự.