Sau khi hóc xương, người đàn ông thập tử nhất sinh vì 'ho ra máu sét đánh'

BS khám lại cho bệnh nhân V. Ảnh: BV Bạch Mai cung cấp
BS khám lại cho bệnh nhân V. Ảnh: BV Bạch Mai cung cấp
TPO - Bệnh nhân bị mảnh xương găm vào thành phế quản bên trái gây chảy máu ồ ạt trong phổi, đe dọa tính mạng vừa được các bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai cứu sống một cách ngoạn mục.

Đó là trường hợp của ông Trần Văn V. (64 tuổi, ở Hà Nội). Theo lời kể của người nhà, ngày 06/01/2019, ông V. đột nhiên bị ho ra máu nhiều, mỗi lần khoảng 100ml. Lo lắng cho sức khỏe, gia đình đã đưa ông V. đến Bệnh viện Bạch Mai để khám.

BS. Nguyễn Ngọc Dư - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai xác nhận ngày 06/01/2019, bệnh nhân V. nhập viện trong tình trạng ho ra máu số lượng lớn, sụt cân. Qua khai thác bệnh sử, ông V đã từng bị viêm phổi năm 2009, năm 2014 và 2018 có xuất hiện ho ra máu nhiều lần nhưng không xác định được nguyên nhân.

Tại Trung tâm Hô hấp, trước tình trạng suy hô hấp - ho máu nặng - ngừng tuần hoàn - áp xe thùy dưới phổi trái nghi do dị vật, các bác sĩ đã cho bệnh nhân an thần, thở máy và chỉ định nội soi phế quản cấp cứu tại giường. ê kip nội soi đã rất nỗ lực hút máu cục trong phổi, giải phóng lòng phế quản để việc thông khí được tốt hơn. Trong quá trình đó, bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn. Sau khi cấp cứu thành công, BN được chuyển ngay sang Khoa Hồi sức tích cực.

Sau khi hóc xương, người đàn ông thập tử nhất sinh vì 'ho ra máu sét đánh' ảnh 1  Ông V tỉnh táo, hồi phục tốt, xúc động cảm ơn các BS đã cứu mạng mình. Ảnh: BV cung cấp

Ngay sau đó, tại khoa Hồi sức tích cực đã diễn ra cuộc hội chẩn toàn viện, BN có chỉ định mổ cấp cứu để khắc phục tình trạng “ho ra máu sét đánh” và lấy dị vật bằng phẫu thuật cắt thùy dưới phổi trái. Cuộc mổ diễn ra thuận lợi, và phẫu thuật viên đã phát hiện dị vật là 1 mảnh xương sắc nhọn đã đâm thủng thành phế quản - đó chính là nguyên nhân làm cho BN ho ra máu nhiều lần và tình trạng nguy kịch phải cấp cứu trong lần vào viện này. Mảnh xương đã chuyển màu vàng sẫm do đã nằm trong lòng phế quản rất lâu. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được trở lại Trung tâm Hô hấp điều trị 11 ngày và đã được ra viện trong tình trạng khỏe mạnh hoàn toàn.

Chia sẻ về ca bệnh này, GS.TS. Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Hô hấp cho biết: Bệnh nhân nhập viện với tình trạng “ho máu sét đánh”, X- quang phổi có tổn thương dạng đám mờ thùy dưới phổi trái. Xét dưới góc nhìn y văn, có nhiều nguyên nhân có thể gây triệu chứng ho máu tái phát nhiều lần, ho máu nặng và tổn thương phổi tương tự như các khối ung thư phổi, áp xe phổi, phổi biệt lập, lao phổi, dị vật đường thở… Vì vậy việc tìm căn nguyên để chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp là rất quan trọng. Với tiền sử viêm phổi năm 2009, ho máu năm 2014 và 2018 nhưng không tìm được căn nguyên và chúng tôi không ghi nhận “hội chứng xâm nhập” - hóc, sặc do vật đường thở ở bệnh nhân này vì có thể bệnh nhân bị dị vật (là mảnh xương) rơi vào đường thở từ trước đó rất lâu mà BN không nhớ. Sau đó dị vật rơi xuống phế quản thùy dưới phổi trái, cắm vào thành phế quản, tạo ra phản ứng viêm xung quanh, làm tắc nghẽn đường thở, khiến cho các dịch tiết của phế quản phía dưới dị vật không thoát ra ngoài được. Các mầm bệnh như vi khuẩn, nấm phát triển trong các dịch tiết này gây nên tình trạng viêm phổi, và sau đó là áp xe phổi, biến chứng ho máu nặng. Các trường hợp ho máu nặng -“ho máu sét đánh” gây ngừng tuần hoàn có tỷ lệ tử vong rất cao. Nếu không được xử trí kịp thời, thường bệnh nhân sẽ không qua khỏi.

MỚI - NÓNG