Bé gái 6 tuổi bị chó nhà cắn cả chục vết thương trên mặt

TPO - Con chó nuôi trong nhà nặng gần 30kg và không được tiêm phòng dại đã tấn công cô chủ khiến bé 6 tuổi ở Nam Định bị đa vết thương ở mặt, phải nhập viện cấp cứu.

Bệnh nhân được đưa cấp cứu vào bệnh viện Việt - Đức, Hà Nội trong tình trạng tỉnh, đa vết thương hàm mặt phức tạp, 1 vết thương cung mày trán phải ≈ 5x2cm, 1 vết thương góc trong mắt (trái) ≈ 5x2cm, 1 vết thương trán thái dương (trái) 3 cm, 1 vết thương gò má trái lóc da rộng ≈ 6cm sát với đường đi thần kinh và ống tuyến nước bọt, nếu đứt dây thần kinh có nguy cơ liệt mặt, rõ nước bọt.

Theo lời kể của người nhà bé, con chó nuôi trong nhà nặng khoảng 30kg và không được tiêm phòng dại đã tấn công cô chủ khiến cho cô bé bị đa vết thương ở mặt.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu, thăm dò vết thương, sau khi thăm dò vết thương các bác sĩ phát hiện vế thương ở má lộ dây thần kinh VII tuy nhiên kiểm tra không thấy đứt. Còn vết thương mắt (trái)  phát hiện đứt dây chẳng góc mắt trong, các bác sĩ đã  khâu phục hồi, xử trí đa vết thương.

Những sơ cứu ban đầu cần thiết nếu chẳng may bị chó cắn

- Làm sạch vết thương: Điều quan trọng hàng đầu là làm sạch vết thương do chó cắn. Vết thương phải được rửa dưới vòi nước chảy để loại bỏ tất cả mầm bệnh. Dùng bông và nước để rửa vết thương. Rửa nhẹ nhàng không nên chà xát mạnh.

- Dùng thuốc sát trùng: Để làm sạch vết chó cắn, có thể dùng những thuốc sát trùng như cồn hoặc nước ô xi già. Những thuốc này sẽ loại bỏ vi khuẩn có hại ở mức độ nhất định. Chỉ đổ một lượng nhỏ lên vết cắn và thổi nhẹ vào vết thương khi bôi thuốc vì nó sẽ rất xót.

- Nâng cao vùng bị thương: Nếu bị chó cắn vào chân hay cánh tay, cần giơ cao vùng bị thương của người bị nạn lên. Việc này rất quan trọng vì khi bị chó cắn bạn có thể bị chảy máu nhiều và cách làm này sẽ giúp cầm máu.

- Cầm máu: Nếu vết thương chảy máu trong vòng 10 -15 phút sau khi bị chó cắn, trong quá trình rửa vết thương không nên cầm máu, chỉ cầm sau 15 phút nếu máu vẫn tiếp tục chảy. Lúc này, đặt lên vết thương 3 miếng gạc y tế, chờ trong vòng 7 phút nếu máu vẫn tiếp tục ra nhiều đặt thêm vài miếng gạc lên nữa lên trên. Chú ý không gỡ miếng gạc trước đó vì sẽ khiến máu chảy nhiều hơn.

Trong trường hợp nếu vết thương sâu và bị ra nhiều máu, máu phun thành tia cần dùng dây thun để garô xung quanh vết thương và chi. Sau đó nhanh chóng đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời tránh mất quá nhiều máu.

- Tiêm phòng dại:

Ngay sau khi bị chó dại cắn, bạn cần đến ngay cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại. Đồng thời thông báo với bác sĩ về tình trạng con vật đã cắn bạn và theo dõi con vật trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cắn/cào.

Trong thời gian 15 ngày theo dõi, nếu con vật có biểu hiện bất thường như ốm, chết, mất tích, bị bán hay bị giết…hãy đến gặp bác sĩ ngay.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.