Thống kê của Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 19 DNNN được Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị gần 41.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị vốn nhà nước 23.000 tỷ đồng. Sau khi được phê duyệt, đã có 16 doanh nghiệp đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và bán cho cổ đông chiến lược, thu về hơn 22.000 tỷ đồng.
Dù đạt được kết quả lớn hơn các năm trước nhưng nhiều DNNN không bán được cổ phần cho cổ đông chiến lược theo phương án được duyệt, do quá thời hạn 4 tháng sau IPO theo quy định. Tiêu biểu như việc bán cổ phần cho cổ đông chiến lược của Tổng Cty dầu Việt Nam (PV Oil). Vào tháng 1/2018, PV Oil chào bán thành công gần 20% cổ phần thông qua đấu giá ra công chúng (IPO) và xúc tiến việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án được duyệt.
Các nhà đầu tư chiến lược đang e dè chính là điều kiện họ không được nhượng cổ phần trong 10 năm. “Ðây là điều khoản ràng buộc sự gắn bó từ nhà đầu tư chiến lược. Nhưng 10 năm là thời gian rất dài”, ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc PV Oil cho biết.
Một số “ông lớn” cũng không bán được cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược đúng thời gian theo quy định như Công ty cổ phần lọc hoá dầu Bình Sơn; Tổng Cty Ðiện lực dầu khí Việt Nam…
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo đánh giá tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018 mới đây, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ cho rằng, việc chậm cổ phần hóa, bán vốn theo kế hoạch là do các hướng dẫn chưa được các bộ ban hành đầy đủ, thị trường chứng khoán giảm mạnh trong vài tháng qua.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, thu hút cổ đông chiến lược là bài toán khó giải ở Việt Nam. Nhà đầu tư trong nước có tiềm lực lớn có ý định muốn mua lại DNNN không nhiều. Trong khi, cổ đông nước ngoài muốn mua thì chúng ta lo nguy cơ này kia, một số lĩnh vực mở cửa chừng mực.
“Việc quy định giới hạn tỷ lệ cổ phần với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cần đảm bảo sự công bằng giữa nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và trong nước. Ðó là cho phép nhà đâu tư nước ngoài sở hữu tỷ lệ cổ phần giống như các cổ đông trong nước, cho phép họ sở hữu chi phối ở các ngành lĩnh vực không thiết yếu”, ông Thành kiến nghị.
Trong nghiên cứu về cổ đông chiến lược cho DNNN, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chỉ ra nguyên nhân khiến cổ đông chiến lược chưa mặn mà là: Nhà nước khống chế tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược nước ngoài. Ðiều này làm giảm động lực đầu tư của cổ đông, vì họ không đảm bảo được quyền điều hành, quản trị kinh doanh trong doanh nghiệp. Việc định giá doanh nghiệp và giá cổ phiếu còn bất hợp lý. Quy trình phức tạp, phương thức bán cổ phần thiếu linh hoạt.
Tại một hội thảo về cổ đông chiến lược cho DNNN do CIEM tổ chức, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Ðiều hành Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) tại Hà Nội nói: “Một trong những vấn đề nhà đầu tư quan tâm là công khai thông tin không tốt, định giá DNNN không minh bạch”.
Ông Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, có một sự khác biệt lớn về tư duy giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước. Nếu cơ quan quản lý chỉ nhìn theo cách của mình thì chắc chắn cổ phần hóa sẽ không thành công.