Sạt lở nghiêm trọng ven biển Cà Mau

Hiện trạng sạt lở ven biển Cà Mau.
Hiện trạng sạt lở ven biển Cà Mau.
TP - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Nguyễn Tiến Hải nhận định, bờ biển Cà Mau dài 254 km, kéo dài từ biển Đông sang biển Tây, có 90% bị sạt lở ở mức độ khác nhau, mỗi năm mất trên 500 ha rừng, đe dọa nhiều cụm dân cư ven sông.

Tuyến bờ biển Tây có hơn 90km, thuộc địa bàn huyện U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân sạt lở nghiêm trọng, dài 57 km. Trong đó, ba vị trí sạt lở rất nguy hiểm, cần giải pháp công trình bảo vệ khẩn cấp là đoạn bờ bắc vàm Tiểu Dừa đến bờ bắc Hương Mai 8,5 km, đoạn bờ nam Hương Mai đến bờ bắc Khánh Hội (huyện U Minh) 3,8 km, đoạn từ vàm Ba Tỉnh đến Kênh Tư (huyện Trần Văn Thời) 13,9 km.

Tuyến bờ biển Đông chưa xây dựng đê phòng hộ trên địa bàn Cà Mau xuất hiện sạt lở nguy hiểm 48 km. Trong đó sạt lở mức độ rất nguy hiểm 24,5 km, tại thị trấn Rạch Gốc 3 km, đoạn từ Hốc Năng về phía Rạch Nhà Phiếu khoảng 4km, đoạn khu vực Vàm Xoáy, xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) dài 2km, đoạn từ Hố Gùi, xã Tam Giang Đông (Năm Căn) dài 1 km, Đoạn từ cửa biển Hố Gùi về phía cửa biển Ất Hạp, xã Nguyễn Huân và xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi) khoảng 14,5 km. Tại 5 đoạn sạt lở trên, rừng phòng hộ bị sóng biển cuốn mất, bờ biển bị sạt lở và khoét sâu vào đất liền từ 50 đến 80m, với chiều dài khoảng 10 km.

Cà Mau có hơn 10.000km chiều dài sông, rạch… xuất hiện 27 vị trí sạt lở ven sông nguy hiểm, với tổng chiều dài 37.935m. Trong đó, có tám vị trí xung yếu với chiều dài 4.890m, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống, buôn bán và sản xuất. Từ đầu năm 2017 đến nay, địa bàn Cà Mau đã xảy ra tới 18 vụ sạt lở đất ven sông, chiều dài sạt lở 549m. Các huyện có sạt lở xảy ra nhiều, gồm: Năm Căn, Đầm Dơi, Ngọc Hiển. Trong năm 2017, chính quyền các huyện ven biển xin chủ trương di dời khẩn cấp hàng nghìn hộ dân nhằm kịp thời bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Trong đó, Năm Căn có 620 hộ; Ngọc Hiển là 3.780 hộ; Đầm Dơi là 4.250 hộ.

Chủ tịch UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ cho tỉnh hơn 826 tỷ đồng để thực hiện trước các công trình bức xúc, đề nghị xem xét cho áp dụng cơ chế ngân sách T.Ư cấp phát toàn bộ số vốn ODA đầu tư cho các dự án xây dựng đê biển, xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu mà không phải áp dụng cơ chế ngân sách tỉnh vay lại vốn ODA. Đồng thời, xin cho phép tỉnh Cà Mau được tăng hạn mức huy động vốn để đầu tư, chủ yếu bố trí cho các dự án phòng chống sạt lở ven biển, khôi phục rừng phòng hộ ven biển và kè chống sạt lở ven sông tại những nơi có nguy cơ sạt lở cao.

Ông Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo các cơ quan và địa phương: “Giải pháp chống sạt lở hiện nay không chỉ chú trọng kè, bởi ngân sách hết sức khó khăn mà phải có sự vào cuộc của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và cả việc quy hoạch, sắp xếp lại dân cư”.

MỚI - NÓNG