Thêm giải pháp công trình ngăn sạt lở ven biển

Đoạn trụ rỗng chống sạt lở thí điểm
Đoạn trụ rỗng chống sạt lở thí điểm
TPO - Ngày 27/10, UBND tỉnh Cà Mau và Viện thủy công tổ chức hội thảo đánh giá giải pháp công trình đê trụ rỗng tiêu giảm sóng, chống sạt lở ven biển, thử nghiệm tại Cà Mau.
Thêm giải pháp công trình ngăn sạt lở ven biển ảnh 1

Trụ rỗng tiêu sóng, giảm sóng, tạo bãi bồi

Thêm giải pháp công trình ngăn sạt lở ven biển ảnh 2

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khảo sát công trình thí điểm.

Cuối năm 2016, Viện Thủy công thi công thí điểm 180 m đê trụ rỗng ven Biển Tây (đoạn Vàm Đá Bạc đến Cống Kênh Mới, thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời). Kết quả quan sát, sóng biển tác động vào mặt đê, bị hấp thụ qua các lỗ rỗng và tiêu tán năng lượng khoảng 70%, chiều cao sóng leo qua mặt đê giảm, không hình thành sóng mới sau đê.

Khảo sát thực tế sau một năm thực nghiệm, lượng phù sa lắng đọng lại bên trong đê trụ rỗng khá dày, tạo nên bãi bồi, dày độ dày bình quân 0,7m so với nền chưa có công trình. Tốc độ bồi lắng trung bình 15cm/tháng, khoảng 120cm/năm, sau một năm có thể trồng rừng phòng hộ.

Tiến sĩ Trần Văn Thái, Phó Viện trưởng Viện Thủy công cho biết, các tiêu chí đặt ra khi thực hiện đê trụ rỗng là tiêu sóng, giảm lực, kết cấu bền vững, giảm kinh phí và tạo nên tính linh hoạt trong di chuyển, có thể tái sử dụng và đoạn đê thí nghiệm đạt các mục tiêu đề ra. Viện Thủy công sẽ hoàn thiện công nghệ này, chống sạt lở, theo hướng giảm giá thành, kiến nghị triển khai giải pháp công trình đê trụ rỗng để phòng, chống xói lở ở ven biển Cà Mau.

Nhiều chuyên gia và nhà khoa học tham gia ý kiến tại hội thảo đã đánh giá cao tính hiệu quả mà mô hình đê trụ trỗng mang lại nhưng lưu ý đơn vị thực hiện đề tài thực hiện song hành giải pháp giảm giá thành và nâng cao tuổi thọ của công trình, đảm bảo tính bền vững.

Kinh phí đầu tư xây dựng kè rỗng giảm sóng, tạo bãi, khôi phục rừng còn khá cao từ 20- 22 triệu đồng/m. Trong khi đó, Cà Mau đã sử dụng kè ngầm, phá sóng, tạo bãi, trồng rừng bằng 2 trụ bê- tông song song, đá hộc ở giữa nhưng chi phí quá lớn, chỉ áp dụng những điểm sạt lở sung yếu.

Ông Lê Văn Sử kiến nghị Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tạo điều kiện cho Viện Thủy công tổ chức hội thảo chuyên sâu để bổ sung đề cương, hoàn thiện đề tài nghiên cứu đê trụ rỗng trong thời gian tới. Lãnh đạo Cà Mau sẽ phối hợp, hỗ trợ Viện Thủy công bằng việc tiếp tục triển khai các công trình thí điểm trên phạm vi rộng hơn ở Cà Mau.

Cà Mau có chiều dài bờ biển hơn 250 km, sạt lở nghiêm trọng, bình quân mỗi năm mất hơn 400 ha đất do sạt lở.

MỚI - NÓNG