Thông tin ban đầu từ phường An Hưng cho biết, việc sạt lở xảy ra vào lúc 15h30 ngày 24/11 tại khu vực tường bao quanh đường lên chùa. Qua kiểm tra thực tế, chính quyền địa phương xác định, do mấy ngày trời mưa dầm làm đất, đá tại chân của đường lên chùa bị nứt, làm sạt lở, đổ tường lan can bao quanh đường lên chùa.
Đường lên chùa Quan Thánh toạ lạc trên núi Nhồi, phường An Hoạch, TP Thanh Hoá |
Hiện nay, còn vết nứt kéo dài có nguy cơ sạt lở tiếp diễn, mất an toàn cho nhân dân đến lễ tại chùa. Do đó, UBND phường An Hưng đã có báo cáo sự việc, xin ý kiến chỉ đạo xử lý của thành phố Thanh Hoá.
Vị trí sạt lở ở bờ bao tường quanh chùa Quan Thánh |
Vị trí sạt lở từ sân chùa Quan Thánh |
Trước đó, báo Tiền Phong đã có phản ánh tại chùa Quan Thánh (thuộc cụm di tích cấp Quốc gia) đã xảy ra sự việc, người trông coi chùa đã tự ý thuê người tô vẽ, sơn sửa mới hàng loạt linh vật, bia, tượng, tranh tường (thời điểm trước năm 2013 và các năm: 2019 và 2021)... làm sai lệch, huỷ hoại, thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích kiến trúc nghệ thuật. Hiện cơ quan chức năng đang xem xét để có phương án xử lý, khắc phục việc này.
Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá, chùa Quan Thánh là loại di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc loại vô cùng độc đáo của Thanh Hoá nói riêng và cả nước nói chung, bởi hệ thống tượng pháp, bia, đại tự... phong phú, dày đặc có từ thế kỷ XVI-XVII, được tiền nhân tạc trực tiếp vào kiến trúc của di tích (các vách, vòm trần hang chùa) là những yếu tố gốc cực kỳ độc đáo cấu thành di tích kiến trúc nghệ thuật mà không nơi nào có được.