Sạt lở đất ở Hoà Bình: Lời kể của những người sống sót

Sạt lở đất ở Hoà Bình: Lời kể của những người sống sót
TP - Những người sống sót vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại giờ phút kinh hoàng hàng nghìn mét khối đất đá đổ xuống, chôn vùi 18 người.
Sạt lở đất ở Hoà Bình: Lời kể của những người sống sót ảnh 1

Chiều 13/10, bầu trời Hòa Bình vẫn trút từng cơn mưa lớn gây khó khăn cho lực lượng cứu hộ trận lở đất tại bản Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc, Hoà Bình). Bước sang ngày thứ hai của cuộc tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể một người đàn ông. Đây là nạn nhân thứ 10 được tìm thấy, 8 người khác vẫn mất tích. Ngoài mưa lớn, địa hình phức tạp cũng là trở ngại cho cuộc tìm kiếm và nhiều lần các chiến sĩ quân đội, công an phải tạm nghỉ do lở đất đe dọa. Một chỉ huy đội cứu hộ cho biết phương án nổ mìn cũng được tính đến để phá tan những khối đá lớn, giúp cuộc tìm kiếm nhanh chóng hơn.

Nhà cửa bị vùi lấp, người dân bản Khanh buộc phải đưa thi thể những người thân ra khu đất ven Quốc lộ 6 để làm đám tang tập thể. Ông Bùi Văn Khải – Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết, xã đứng ra lo liệu toàn bộ chi phí đám tang cho những người xấu số, đồng thời động viên tinh thần người thân của họ.

Đứng trên đồi cao theo dõi cuộc tìm kiếm, anh Bùi Văn Dũng cho hay, anh cùng vợ và con gái may mắn thoát chết khi căn nhà sàn của gia đình bị chôn vùi trong đất đá. Anh Dũng nhớ lại: “Đang ngủ, tôi chỉ nghe một tiếng ầm trên đầu, mặt đất chuyển động dữ dội. Mở mắt ra, tôi thấy mình nằm giữa trời, hai chân bị đất đá đè lên, đau điếng”.

Anh Dũng kể tiếp: “May mắn là khi ngủ tôi đắp chăn nên khi đất đè lên người, việc rút chân ra không quá khó. Tôi dùng tay mò xung quanh để tìm vợ con nhưng không thấy. Khi vớ được chiếc đèn pin, tôi mới thấy vợ con mình bị vùi nửa người cách đó khoảng 10m. Tôi lao về phía vợ con, dùng thanh gỗ bị vỡ ra từ xà nhà để đào đất. Vừa đào tôi vừa gào thét để có ai nghe được đến cứu giúp. Tôi không ngờ rằng 18 người hàng xóm đều đã bị đất đá chôn vùi”. Anh Dũng đã cứu được vợ và con gái, đưa về khu vực an toàn.

Tất bật lo hậu sự cho người thân, ông Đinh Công Hươn (SN 1975, ở xóm Khanh) vẫn chưa hết bàng hoàng sau sự cố. Kể lại đêm kinh hoàng, ông Hươn nói: “Khoảng 1h đêm, mọi người đang ngủ bất ngờ nghe 1 tiếng uỳnh rất lớn, tôi chạy vội ra ngoài cửa thấy nước và đất phun lên đen ngòm, nhấn chìm nhiều ngôi nhà gần đó. Rồi tôi nghe thấy tiếng kêu cứu của 3 mẹ con hàng xóm. Hai bố con tôi men sang bên đó. Tới nơi, tôi thấy họ chỉ còn mỗi đầu thò ra, nhiều chăn màn, thóc lúa cùng đất đá đè lên người họ. Hai bố con tôi nhanh chóng đào bới, lôi họ lên”.

Ông Hươn cho biết, 3 mẹ con đã gặp may vì nằm ngủ sau bồ thóc lớn cùng nhiều chăn màn. Họ được những tài sản này che chắn không bị chấn thương.

Chiều 13/10, các chiến sĩ công an, quân đội vẫn miệt mài chuyển đất đá tại hiện trường. Họ thay ca luân phiên nhau làm việc. Đội cứu hộ nhiều lần phải chạy khỏi hiện trường vì có tín hiệu cảnh báo sạt lở. Công tác cứu hộ rất khó khăn khi đất đá vẫn tiếp tục rơi xuống trong khi lượng nước trên thác vẫn đổ về khiến đất ở hiện trường lún sâu ở nhiều nơi. Một số cán bộ chiến sĩ đã bị sụt xuống bùn sâu tới nửa người.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.