Sạt lở bủa vây miền Tây: Cần hàng nghìn tỷ đồng để di dời dân

Vào mùa mưa, sạt lở ven sông đã làm hư hại nhà cửa, đường giao thông,…
Vào mùa mưa, sạt lở ven sông đã làm hư hại nhà cửa, đường giao thông,…
TP - Trong cuộc khảo sát thực địa tình hình sạt lở ở Cà Mau và Kiên Giang cuối tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá sạt lở đe dọa Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), trong đó, Cà Mau có đường bờ biển dài nhất vùng ÐBSCL, với 254 km đang bị tổn thương nặng nề nhất.

Thấp thỏm vì sạt lở

Tỉnh Cà Mau có bờ biển bao bọc dài hơn 254 km, với hàng trăm cửa biển. Trong đất liền, hàng ngàn con sông lớn nhỏ như mạng nhện “vùng sông nước” bị sạt lở, nước dâng, lún sụp…chực chờ rệu rã.

Sau vụ nước “ùn” bất ngờ dâng cao đã vượt qua đê biển Tây thuộc xã Khánh Bình Tây (Trần Văn Thời, Cà Mau), Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển và bờ sông, nơi sinh sống của hàng ngàn hộ dân.

Trước đây, Mũi Cà Mau thuộc xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) gắn với địa danh “đất nở, cây mắn biết đi” hàng trăm mét ra phía biển mỗi năm, thì nay cửa Vàm Xoáy lại trở thành nơi sạt lở nguy cấp nhất của tỉnh Cà Mau. Ông Nguyễn Văn Đá, 70 tuổi, ở ấp Rạch Vàm, xã Đất Mũi nói: “Ba đời dòng họ tôi lấn biển, bám biển, dựng nhà ở chót mũi Cà Mau thì nay liên tục phải thụt lùi vì sạt lở”.

Ông Trần Văn Hận định cư ở tại cửa biển Vàm Xoáy hơn 30 năm, nay chứng kiến nước biển “cướp” đất quanh năm. Nhiều căn nhà dựng ngay bờ sông Lạch Vàm bị trơ cọc sàn, trơ khung, mục nát.

Ông Huỳnh Văn Tuôi (Sáu Tuôi) ở cửa biển Rạch Gốc (Ngọc Hiển, Cà Mau) bất an trước thực trạng nước biển dâng. “Bà con xứ này cất nhà sàn bằng gỗ đước thì nay sử dụng cừ bê- tông để xây cất nhà sàn ven biển, ven sông rạch. Nay, trên đất liền, bà con cũng cất nhà kiên cố bằng bê- tông cốt thép, có sàn để tránh nước dâng cao vào cuối năm”- ông Sáu Tuôi thở dài.

Sạt lở là nỗi lo thường trực của những hộ dân sống ven biển, bờ sông. Sạt lở không chỉ đã và đang tiếp tục làm mất đất rừng bên ngoài khu dân cư mà hiện đã khiến nhiều hộ dân nghèo sống ở cửa biển, ven biển, ven sông phải di dời do sạt lở.

“Cách đây khoảng 10 năm, nhà tôi còn 2 lớp nhà nữa mới tới con đường bê tông 2,5 mét. Bây giờ con đường bê tông đã nằm lại dưới cửa biển rồi, nền nhà tôi cũng không còn miếng nào. Bám biển kiếm sống nhưng sóng gió làm cho mình lo lắng hằng đêm”- Mai Văn Tó, ở ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) nói.

Bờ biển Tây tỉnh Kiên Giang gần 100 km cũng bị sạt lở tại Mũi Rãnh (huyện An Biên), Xẻo Nhàu (huyện An Minh) từ rạch Tiểu Dừa đến rạch Mười Thân (huyện An Minh) dài 10 km. Ông Trần Văn Hai, ở xã Vân Khánh Tây (Anh Minh, Kiên Giang) cho biết nước biển dâng, sạt lở đã đuổi bà con đi nơi khác sinh sống.

Cầm cự chờ kinh phí

Vùng bán đảo Cà Mau có bờ biển dài từ Sóc Trăng- Bạc Liêu rồi ôm Mũi Cà Mau đến Kiên Giang nhưng sạt lở khiến cho vùng đất trẻ này có dấu hiệu rệu rã. Bờ biển miền Tây liên tục hứng chịu thời tiết cực đoan, nước biển dâng cao, lún sụp đất làm cho sạt lở tăng cả quy mô và mức độ khó lường.

UBND tỉnh Cà Mau thống kê, từ năm 2007 đến nay, gần 9.000 ha đất rừng phòng hộ bị sóng biển cuốn trôi và sạt lở bờ biển Đông với chiều dài 48 km, có 8 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, với tổng chiều dài gần 27 km cần xử lý khẩn cấp.

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, tuyến bờ biển Tây có đê biển bảo vệ nhưng bờ biển Đông chưa có tuyến đê biển, tốc độ sạt lở bờ biển 50 - 80 mét/tháng. “Cửa biển Vàm Xoáy (Ngọc Hiển), cửa biển Hố Gùi (huyện Năm Căn) cần có cơ chế khẩn cấp, thực hiện các giải pháp công trình bảo vệ tài sản người dân và giữ đất rừng”- ông Nam nói.

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, các cơ quan chức năng huy động nguồn lực và triển khai các công trình, dự án và đang phát huy hiệu quả phòng chống sạt lở như “kè ngầm tạo bãi, phá sóng, gây bồi, tạo bãi và trồng rừng”.

Tuy nhiên, việc sạt lở đã vượt quá khả năng chống chịu nên tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ hỗ trợ hơn 947 tỷ đồng để khắc phục các điểm sạt lở khẩn cấp ở bờ biển Đông, bờ sông, tái định cư. “Cần di dời người dân trong vùng sạt lở vào nơi an toàn nhưng nguồn kinh phí quá lớn, vượt ngoài khả năng của tỉnh nên đề nghị trung ương xem xét hỗ trợ”- ông Nguyễn Tiến Hải nói. 

Quy hoạch bố trí dân cư trên địa bàn (giai đoạn 2006 - 2015), sẽ xây dựng 35 cụm, tuyến dân cư mới trên địa bàn 8 huyện, với tổng diện tích quy hoạch là hơn 945 ha để bố trí cho hơn 13.800 hộ dân. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Cà Mau chỉ bố trí được hơn 1.500 hộ vùng nguy cơ xảy ra thiên tai cao. Tỉnh Cà Mau đã điều chỉnh đồ án Quy hoạch di dân tái định cư (giai đoạn 2016 - 2020) và lộ trình tới năm 2025, cần khoảng 1.400 tỷ đồng để di dời thêm gần 4.800 hộ ở những nơi có nguy cơ thiên tai cao.

MỚI - NÓNG