Ngày 23/9, ông Nguyễn Văn Trực, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM cho biết vừa phối hợp cùng Sở Giao thông vận tải kiểm tra và phân loại mức độ sạt lở tại các khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch theo chỉ đạo của UBND TPHCM.
Có 11/24 quận huyện báo cáo đề xuất tổng cộng 50 vị trí sạt lở. Kết quả kiểm tra của cơ quan liên ngành xác định trên địa bàn TPHCM còn 37 vị trí sạt lở, trong đó có 18 vị trí được xếp loại nguy hiểm và 19 vị trí đặc biệt nguy hiểm.
Cụ thể: Huyện Nhà Bè tập trung nhiều nhất với 11 vị trí sạt lở đã công bố trong năm 2018 và 1 vị trí mới phát sinh thêm trong năm nay được xếp loại nguy hiểm (bờ phải rạch Giồng, từ rạch Gò Me đến tiếp giáp kè tổ 3, ấp 4 thuộc xã Hiệp Phước).
Ngoài 5 vị trí sạt lở cũ, huyện Cần Giờ phát sinh thêm 2 vị trí sạt lở mới, trong đó một vị trí sạt lở mức độ bình thường và 1 vị trí sạt lở mức độ nguy hiểm (bờ phải rạch Mốc Keo, khu dân cư An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp). Có 7 vị trí đã được đầu tư xây dựng kè, qua thời gian sử dụng đã xuống cấp, sụt lún một số vị trí mái kè.
Ngoài 3 vị trí sạt lở cũ phát hiện trong năm 2018, quận Bình Thạnh phát sinh thêm 1 vị trí sạt lở mới (bờ phải Sông Sài Gòn, từ ngã 3 kênh Thanh Đa - sông Sải Gòn về phía hạ lưu 550m) mức độ nguy hiểm. Đây là khu vực kho xăng dầu VK 102, phường 25 do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 quản lý.
Các vị trí sạt lở còn lại tập trung tại quận 2 (5 vị trí), Thủ Đức (4 vị trí), quận 8 (1 vị trí), huyện Bình Chánh (3 vị trí), huyện Hóc Môn (2 vị trí).
Ông Trực cho biết so với năm 2018, số vị trí sạt lở mức độ nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm đã giảm 4 vị trí do TPHCM đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án kè chống sạt lở trên tuyến sông rạch Đỉa - rạch Rơi - sông Phú Xuân (phường Tân Phú, Quận 7); khu vực ngã 3 sông Bến Lức - Kênh Xáng Lý Văn Mạnh (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh); thượng lưu cầu rạch Tôm (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) và kè kiên cô bảo vệ khu dân cư An Hoà (tắc Ráng tổ 27-xã An Thới Đông, ấp An Hòa, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ).
Tại 37 vị trí sạt lở, TPHCM đã lập 35 dự án kè phòng, chông sạt lở, bảo vệ khu dân cư. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án kè chống sạt lở còn chậm. Cụ thể: tính đến tháng 9 năm 2019, tại 37 vị trí sạt lở mới có 1 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng; 22 dự án đang triển khai thi công; 6 dự án đã phê duyệt nhưng chưa triển khai thi công do vướng mặt bằng; 6 dự án đang trong giai đoạn lập hồ sơ.
Lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM thừa nhận số điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm chưa được kéo giảm đáng kể, sạt lở bờ sông vẫn tiếp tục đe đọa an toàn tính mạng và đời sống người dân tại các khu vực xung yếu.
Đáng chú ý, một số dự án kè trong quá trình lập hồ sơ dự án, chủ đầu tư chưa khảo sát đánh giá đầy đủ về địa hình, địa chất, thủy văn dẫn tới đề xuất phương án thiết kế kỹ thuật không đảm bảo an toàn, ổn định cho công trình.
Trong quá trình thi công đã bị sự cố sụp lún, sạt lở phải điều chỉnh dự án như: Dự án Xây dựng kè kiên cố bảo vệ khu dân cư An Nghĩa (đoạn từ rạch nhánh đến sông Lòng Tàu); dự án Xây dựng kè kiên cố bảo vệ khu dân cư ấp An Hòa (đoạn từ kè Bà Tổng đến ngã ba sông Soài Rạp),…
Nhiều dự án kè chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch thi công chưa đạt tiến độ đề ra do gặp khó khăn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dẫn đến không có mặt bằng để triển khai thi công khiến tiến độ đầu tư kéo dài như dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (đoạn 2; 3 và 4) thuộc quận Bình Thạnh; dự án xây dựng kiên cố tuyến kè bảo vệ khu dân cư ấp Bình Mỹ …
Nhiều dự án kè sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, các chủ đầu tư chưa bàn giao cho đơn vị quản lý, khai thác và duy tu, sửa chữa thường xuyên nên một số hạng mục công trình nhanh xuống cấp, một số đoạn bị sụp lún mái kè, hở hàm ếch, hư hỏng không đảm bảo phát huy hiệu quả phòng chồng sạt lở, ngăn triều cường, bảo vệ an toàn khu dân cư.